Thái Bình: Giá gạch giảm, chủ lò lo
Tin tức - Sự kiện 09:26 - 21/09/2018
Nhiều tháng nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình giá gạch xây giảm sâu, lợi nhuận có khi âm làm cho các chủ lò gạch tuynel gặp rất nhiều khó khăn. Đơn vị nào tiềm lực tốt sản xuất cầm chừng hoặc chuyển hướng làm mới, cũng có đơn vị đã phải dừng sản xuất. Những đơn vị có hướng chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm không nung đều băn khoăn về đầu ra của sản phẩm có đảm bảo hay không.

Bộ phận tạo hình Cty gạch tuynel tại huyện Hồng Quỳnh, Thái Bình
Cung vượt cầu
Theo ông Bùi Tiến Đạt - Giám đốc Cty CP vật liệu xây dựng Đống Năm, huyện Đông Hưng, Thái Bình: “Chưa năm nào giá gạch xây lại giảm sâu và kéo dài như thời gian vừa qua. Hiện tại, gạch xây đang bán 700 đồng/viên dưới giá thành sản xuất, so với năm 2016 giảm 200 đồng/viên. Nhưng sản phẩm tiêu thụ vẫn rất chậm, lúc nào cũng tồn khoảng 6 triệu viên trên bãi. Hoạt động sản xuất tháng nào cũng lỗ từ 400-500 triệu đồng. Do vậy, Cty đã dừng sản xuất 3 tháng nay”.
“Nguyên nhân do sản lượng sản xuất gạch tăng cao trong khi nhu cầu không tăng, dẫn đến tình trạng này”, ông Đạt cho biết thêm.
Cùng quan điểm này, ông H - Giám đốc Cty sản xuất gạch tuynel tại huyện Tiền Hải, Thái Bình cho biết: “Thời điểm hiện tại, năng lực sản xuất của các nhà máy gạch tuynel đã vượt nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh. Cty mới có quyết định đầu tư cũng bắt đầu sản xuất dẫn tới lượng gạch cung ra thị trường tăng cao. Ngoài ra, nhiều Cty gạch tuynel ở các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Hà Nam, Hưng Yên… tràn vào thị trường cung cấp vật liệu xây dựng tại tỉnh làm cho việc tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy trong tỉnh gặp khó khăn”.
Về nguyên nhân khiến giá gạch tuynel giảm sâu, mà vẫn khó tiêu thụ một cán bộ phụ trách lĩnh vực vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình cho rằng: “Thái Bình, hiện có khoảng 35 dây chuyền sản xuất gạch tuynel nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn vì nguồn cung từ các tỉnh lân cận tràn vào. Hầu hết công nghệ sản xuất gạch của các tỉnh lân cận hiện đại, giá thành giảm, chất lượng cao. Còn đối với dây chuyền sản xuất lò tuynel ở Thái Bình đa số chưa thực sự được cải tiến hiện đại. Nhiều dây chuyền sản xuất đã phải dừng hoạt động do giá thành sản xuất cao hơn giá bán, hoặc chỉ sản xuất cầm chừng. Lao động tại các đơn vị sản xuất gạch chủ yếu người nhiều tuổi, còn thanh niên lựa chọn đi làm may lương tháng 5-6 triệu đồng, hạn chế ô nhiễm độc hại”.
Một thời gian giá gạch xây tăng do hiệu ứng từ chủ trương xóa lò gạch thủ công của UBND tỉnh, nhưng do nguồn cung dồi dào cộng với sự điều tiết của thị trường, giá gạch xây đã trở về như hiện tại.
Ngoài nguyên nhân này, theo các chủ Cty gạch tuynel, do năm 2017 là năm nhuận nên người dân thường ngại xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà, các công trình xây dựng trong tỉnh cũng ít hơn nên lượng tiêu thụ gạch không tăng so với những năm trước.
Từ năm 2017, giá gạch xây lại bước vào chu kỳ giảm giá mới: “Theo quan sát của chúng tôi, khoảng 5 năm giá gạch xây lại giảm 1 lần. Nguyên nhân là mỗi lần gạch lên giá cao các nhà máy sản xuất gạch đua nhau nâng công suất. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư xây nhà máy mới khiến lựơng gạch cung cấp ra thị trường dồi dào hơn”, chủ một Cty gạch tuynel phân tích.
Sản xuất cầm chừng và tìm hướng đi mới
Lo lắng là tâm trạng của hầu hết các chủ C ty gạch hiện nay. Theo ông Vũ Văn Thùy - CTHĐQT Cty CP vật liệu xây dựng Tiền Phong, TP Thái Bình cho rằng: “Trước khó khăn của thị trường gạch nung, Cty đã có hướng đi mới, đầu tư sản xuất sản phẩm không nung nhưng hiện tại, sản phẩm tiêu thụ rất chậm. Kế hoạch tiếp theo, đơn vị sẽ sản xuất thêm gạch siêu nhẹ. Lúc đầu có trắc trở điều gì thì cũng quyết tâm làm. Vì đây là xu hướng tất yếu về phát triển sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường”.

Gạch tồn kho tại Công ty CP vật liệu xây dựng Tiền Phong, TP. Thái Bình, Thái Bình.
Anh Duy - kế toán một Cty gạch ở huyện Hồng Quỳnh, Thái Bình chia sẻ: “Giá bán hiện tại 700 đồng/viên gạch 2 lỗ, gạch đặc 730 đồng/viên, mỗi tháng lỗ hơn 200 triệu đồng. Nếu cứ như hiện tại chắc các chủ lò cũng sẽ dừng lò. Lượng cung quá nhiều, sau khi phá lò thủ công xác định không chuẩn các đơn vị tăng sản lượng quá cao. Đơn vị đang sản xuất cầm chừng để giải quyết việc làm cho hơn 60 người thu nhập bình quân 3.5 – 4 triệu đồng/người/tháng”.
Cũng trong tình thế khó khăn, ông Tuân - Giám đốc Cty CP Vật liệu xây dựng Thái Thủy, huyện Vũ Thư, Thái Bình tâm sự: “Giai đoạn này, Cty sản xuất chỉ 50% công suất thiết kế, khoảng 1 triệu viên/tháng; giá bán gạch 2 lỗ 650 đồng/viên mà không tiêu thụ được, lượng tồn kho trên bãi khoảng 4,5 triệu viên. Mấy năm trước sản xuất hết công suất tiêu thụ hết hàng. Công nghệ cũ, không đủ năng lực cạnh tranh với sản phẩm của các tỉnh lân cận. Nếu tiếp tục sản xuất mỗi tháng, Cty sẽ lỗ khoảng 200 triệu đồng. Có lẽ, cứ tình trạng này, chúng tôi phải dừng sản xuất chuyển hướng, chờ cơ hội tốt để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm không nung và mở nhà máy may”.
Hầu hết các chủ nhà máy gạch tuynel đều nhận định giá gạch thấp sẽ kéo dài do lượng cung vượt quá cầu. Được biết, cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình cũng đã có định hướng các đơn vị sản xuất gạch tuynel chuyển dịch sang mô hình sản xuất sản phẩm không nung đúng theo chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn cần phương án kiểm soát tốt sản lượng sản xuất để tránh tình trạng cung vượt quá cầu, khiến doanh nghiệp lại rơi vào thế khó. Đồng thời nên thận trọng hơn trong việc cho phép đơn vị cải tạo, nâng cấp, đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất gạch tuynel, cố gắng cân đối lượng cung cầu trên địa bàn.