Tạm ngưng hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng kể từ ngày 20.4
Tin tức - Sự kiện 10:18 - 21/04/2019
Việc khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng chỉ được tiến hành trở lại khi được UBND tỉnh thông báo xác định hoạt động khai thác cát không gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước và đáp ứng các quy định của Luật Thuỷ lợi, quy định về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng.
Ngày 18.4, UBND tỉnh đã ký ban hành Công văn số 751/UBND-KTTC về việc tạm ngưng hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng gửi các sở, ngành gồm: Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà và các đơn vị khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng.
Nội dung công văn này cho biết, việc tạm ngưng hoạt động khai thác cát là thực hiện theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhằm bảo đảm chất lượng hồ cấp nước sinh hoạt cho Tây Ninh, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời rà soát, đánh giá tình hình khai thác cát, báo cáo về Bộ.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và các đơn vị khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng thực hiện các nội dung sau: tạm ngưng hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng kể từ ngày 20.4 (thời gian tối thiểu 2 tháng). Việc khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng chỉ được tiến hành trở lại khi được UBND tỉnh thông báo xác định hoạt động khai thác cát không gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước và đáp ứng các quy định của Luật Thuỷ lợi, quy định về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá lại tình hình hoạt động khai thác cát, báo cáo kết quả kiểm tra và dự thảo báo cáo cho Bộ NN&PTNT gửi về UBND tỉnh trước ngày 10.5.2019.
Trước đó, ngày 11.4.2019, Bộ NN&PTNT có Công văn số 2508/BNN-TCTL gửi UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước về việc tạm dừng hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng.
Theo công văn này, ngày 10.4.2019, Bộ NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp với UBND hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương kiểm tra công tác quản lý khai thác hồ Dầu Tiếng. Tại thời điểm kiểm tra, mực nước hồ đang ở cao trình +20,36m, đang diễn ra hoạt động khai thác cát trong lòng hồ, gây ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ cấp cho sinh hoạt của Tây Ninh, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.
Do đó, sau khi thống nhất với các đơn vị có liên quan, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương thông báo tạm ngừng hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng nhằm bảo đảm chất lượng nước cấp cho sinh hoạt và các dịch vụ thuỷ lợi khác. Thời gian tạm dừng tối thiểu là 1 tháng.
Như vậy, mặc dù đến chiều ngày 18.4, UBND tỉnh Tây Ninh mới ký ban hành công văn về việc tạm ngưng hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, nhưng trước đó vài ngày, mặt hàng cát xây dựng đã có dấu hiệu khan hiếm trên thị trường, dẫn đến tăng giá khá cao. Có khả năng, một số doanh nghiệp khai thác cát và cửa hàng vật liệu xây dựng nắm được thông tin về việc Bộ NN&PTNT yêu cầu tạm ngưng khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng nên đã chủ động bán nhỏ giọt hoặc không bán cát chờ giá cát lên cao.
Theo nhiều nhà thầu xây dựng, cát hồ Dầu Tiếng hiện có chất lượng tốt nhất so với cát được khai thác trên sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn và cát đưa từ miền Tây về. Cát hồ Dầu Tiếng không những ít tạp chất mà hạt to hơn cát sông, rất phù hợp cho yêu cầu về chất lượng bê tông trong các công trình xây dựng, nhất là các công trình lớn. Do đó mà nhu cầu về cát hồ Dầu Tiếng rất cao dù giá đắt hơn đáng kể so với cát sông.
“Chắc chắn trong vài ngày tới, giá cát hồ Dầu Tiếng sẽ tăng cao và trở nên khan hiếm. Tình trạng này dẫn tới cát sông cũng hút hàng và tăng giá vì nhiều công trình xây dựng không có sự lựa chọn, buộc phải sử dụng để thi công”, một nhà thầu xây dựng nhận định.