Trong nội dung Công văn đã nêu rõ: Nhà nước khuyến khích các hoạt động xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao từ sản xuất nhiệt điện để sản xuất vật liệu xây dựng. Theo quy định tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng, sản phẩm tro bay của Công ty FHS phù hợp với quy chuẩn quốc gia QCVN 16:2014/BXD được coi là sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng và được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về sản phẩm hàng hóa.
Đối với việc Công ty FHS kinh doanh tro bay phù hợp với quy chuẩn quốc gia QCVN 16:2014/BXD để làm vật liệu xây dựng, thì được điều chỉnh theo quy định tại Điều 35 về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng của Nghị định 24a/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng. Công ty FHS được cung cấp sản phẩm vật liệu xây dựng là tro bay cho các đơn vị có chức năng kinh doanh vật liệu xây dựng theo quy định tại Chương V-Các hoạt động trung gian thương mại của Luật thương mại số 36/2015/QH11 ngày 14/6/2005.
Nhà máy nhiệt điện FHS gồm 5 tổ máy phát điện, trong đó có 2 tổ máy đốt khí (nhiên liệu gồm khí COG thu từ Lò cốc, BFG thu hồi từ Lò cao và LDG thu hồi từ Lò chuyển) và 3 tổ máy đốt than phát điện. Than dùng cho đốt phát điện từ năm 2016 đến nay được FHS nhập khẩu ổn định từ Nga và Indonesia. Đây là loại than chất lượng tốt có hàm lượng tro thấp, hàm lượng lưu huỳnh thấp và nhiệt lượng toàn phần cao. Từng lô hàng nhập khẩu than được FHS kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng. FHS sử dụng bột đá vôi nghiền mịn để khử lưu huỳnh (SOx) trong khí thải của các tổ máy đốt than nên chất thải rắn phát sinh gồm thạch cao, tro bay, xỉ đáy. Nhà máy nhiệt điện của FHS cũng đã được chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Vì vậy có thể thấy quy trình công nghệ sản xuất phát điện của nhà máy nhiệt điện FHS và nguyên, nhiên liệu đầu vào là ổn định và được kiểm soát chặt chẽ.
Ngày 22/1/2018, Công ty TNHH MTV Xi măng Sông Gianh có văn bản số 19/XMSG-BAT gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị về việc sử dụng tro bay, thạch cao nhân tạo làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Phúc đáp văn bản này, Tổng cục Môi trường đã tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 736/BTNMT-TCMT ngày 13/2/2018 chấp thuận cho Công ty được tiếp nhận và sử dụng tro bay, thạch cao nhân tạo phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện đang hoạt động tại Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất xi măng, với các điều kiện tro bay, thạch cao nhân tạo phải đáp ứng các quy định hiện hành về tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
Công ty có trách nhiệm giám sát việc vận chuyển tro bay, thạch cao nhân tạo của Công ty TNHH Vận tải Thương mại Lê Nam từ các nhà máy nhiệt điện đến Nhà máy xi măng sông Gianh, phải đáp ứng yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Trong quá trình vận chuyển đảm bảo không được làm rơi vãi, gây phát tán bụi ra môi trường; sử dụng biên bản bàn giao tro bay, thạch cao nhân tạo cho mỗi lần vận chuyển và tiếp nhận;
Trong Công văn số 736, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu đối với tro bay, thạch cao nhân tạo làm nguyên liệu sản xuất xi măng không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn làm vật liệu xây dựng theo quy định hiện hành, để được chấp nhận Công ty phải lập Phương án đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.
Tổng cục Môi trường cũng cho biết: Hiện các nhà máy nhiệt điện đang vận hành tại Việt Nam tiêu thụ khoảng 47,8 triệu tấn than/năm với lượng tro, xỉ, thạch cao thải ra hàng năm hơn 16,4 triệu tấn/năm. Dự kiến tới năm 2020 sẽ có thêm nhiều dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động, tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than/năm và phát sinh khoảng 20,5 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao. Theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, sau khi được phân định, phân loại là chất thải rắn công nghiệp thông thường thì được khuyến khích tái chế, tái sử dụng làm nguyên liệu, vật liệu cho các ngành nghề sản xuất khác nếu đáp ứng hoặc phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành.
Quyết định số 452/QĐ-TTg quy định rõ tro, xỉ, thạch cao (bao gồm thạch cao được thu hồi từ khói lò đốt của các nhà máy nhiệt điện, viết tắt là thạch cao FGD – Flus Gas Desulfurization; thạch cao được thải ra từ các nhà máy hóa chất, phân bón, viết tắt là thạch cao PG – Phosphogypsum) phải được xử lý, sử dụng hiệu quả. Tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG (trước hoặc sau khi xử lý) đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng được coi là sản phẩm hàng hóa và được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về sản phẩm hàng hóa. Tro bay của nhà máy nhiệt điện FHS đã được Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận hợp quy số 90/2017/DNXD -VLXD ngày 1/9/2017 phù hợp với quy chuẩn: QCVN 16:2014/BXD, nhóm sản phẩm phụ gia cho xi măng, bê tông và vữa.
Triển khai thực hiện Quyết định số 452 của Thủ tướng Chính phủ, theo chức năng nhiệm vụ được giao, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực vào cuộc, hướng dẫn các nhà máy nhiệt điện, nhà máy xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng đẩy mạnh hoạt động tái sử dụng và tái chế tro, xỉ thạch cao trên toàn quốc. Kết quả, nhiều nhà máy nhiệt điện đã tiêu thụ hết lượng tro, xỉ phát sinh, giảm diện tích bãi thải, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Việc tái sử dụng tro bay từ các nhà máy nhiệt điện được nhiều nước trên thế giới thực hiện như Nhật Bản, Trung Quốc… và luôn được khuyến khích sử dụng tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện trong xây dựng đường giao thông, làm phụ gia trong sản xuất xi măng, bê tông và vật liệu xây dựng. Tro bay nếu đạt tiêu chuẩn dùng làm phụ gia cho sản xuất xi măng sẽ làm giảm chi phí sản xuất xi măng; bê tông dùng tro bay sẽ làm giảm lượng xi măng và làm tăng tính bền chắc của công trình. Ngoài ra, tro xỉ còn được sử dụng để làm chất liên kết gia cố các công trình giao thông, sản xuất gạch không nung, bê tông nhẹ, làm tấm trần, tường thạch cao, gốm sứ rất hiệu quả. Việc tái sử dụng tro bay, được quản lý tốt sẽ đem tới lợi ích kép về kinh tế và môi trường.
Để tiếp tục triển khai Quyết định số 452/QĐ-TTg, trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan, các địa phương đẩy mạnh việc tái sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở phát thải thực hiện hợp chuẩn, hợp quy tro, xỉ theo đúng quy định trước khi chuyển giao; tiếp tục kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có sử dụng tro, xỉ thực hiện đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.