
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội kết hợp cùng Trường Đại học Lubeck (CHLB Đức) triển khai dự án ReBuMat, nhằm thúc đẩy nghiên cứu phát triển các vật liệu và phương pháp xây dựng bền vững, tiết kiệm tài nguyên và sử dụng hiệu quả năng lượng ở Việt Nam.
Thông qua mạng lưới quốc tế, trên cơ sở các nghiên cứu có tính liên ngành, chuyên sâu và định hướng thực hành sáng tạo, dự án ReBuMat hướng tới việc chuyển giao các kết quả khoa học và các tiêu chuẩn vào thực tế xây dựng và quy hoạch ở các khu vực khí hậu nhiệt đới.
PGS.TS Phạm Xuân Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng.
Tại Hội thảo Tài nguyên - Xây dựng hiệu quả sử dụng VLXD bền vững (REBUMAT), diễn ra ngày 14/5, PGS.TS Phạm Xuân Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng cho biết, thời gian qua, việc sử dụng quá lớn tài nguyên thiên nhiên nhằm đáp ứng các yêu cầu lớn về nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp xây dựng đang đe dọa đến môi trường sinh thái, sự đa dạng sinh học và kinh tế địa phương.
Dự án ReBuMat tập trung xây dựng giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sử dụng VLXD bền vững, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới; Thúc đẩy nghiên cứu phát triển các vật liệu và phương pháp xây dựng bền vững, tiết kiệm tài nguyên và sử dụng hiệu quả năng lượng ở Việt Nam.
Thông qua mạng lưới quốc tế, trên cơ sở các nghiên cứu có tính liên ngành, chuyên sâu và định hướng thực hành sáng tạo, dự án ReBuMat hướng tới việc chuyển giao các kết quả khoa học và các tiêu chuẩn vào thực tế xây dựng và quy hoạch ở các khu vực khí hậu nhiệt đới.
GS.TS Dirk Schwede - Trường Đại học Lubeck, Trưởng Nhóm dự án hợp tác ReBuMat.
Chia sẻ về các hoạt động, kết quả Nhóm dự án đã thực hiện trong 4 năm qua, GS.TS Dirk Schwede - Trường Đại học Lubeck, Trưởng Nhóm dự án hợp tác ReBuMat cho biết, dự án không chỉ đơn thuần là nghiên cứu học thuật, mà có sự hợp tác, quy tụ và thu hút các nhà khoa học, nhà nghiên cứu nhằm trao đổi, thảo luận, chia sẻ các sáng kiến về VLXD bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái (vật liệu gốc sinh học, vật liệu tái chế, vật liệu xanh…).
Theo đó, Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 2 khu vực tại miền Bắc và miền Nam để thực hiện nhiều thử nghiệm nhiều loại VLXD với các kết cấu công trình cụ thể, nhằm đánh giá sức chống chịu trong điều kiện khắc nghiệt ở Việt Nam; Thử nghiệm các loại VLXD thông thường, VLXD truyền thống, VLXD mới… đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, Nhóm dự án còn có các hoạt động nghiên cứu về VLXD tái chế ứng dụng trong ngành Xây dựng tại Việt Nam, hướng tới sử dụng trong các công trình nhà dân, công trình văn phòng và ứng dụng trong các công trình mang tính chất biểu tượng, công trình công nghiệp và dân dụng…
Đặc biệt, Nhóm đã xây dựng bảng so sánh về đặc điểm của loại các VLXD, phân loại Nhóm nguồn gốc của chúng để hiểu rõ hơn về đặc tính cũng như xây dựng được dữ liệu về đặc tính vật lý, cơ lý, hóa học của vật liệu, khả năng chống ăn mòn, khả năng chống rỉ sét, hiệu quả trong vòng đời và ứng dụng thực tế tại môi trường khí hậu Việt Nam.
Sản phẩm gạch đất không nung tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ do người dân địa phương tự sản xuất theo kỹ thuật chuyển giao...
Đáng chú ý, một trong những kết quả của dự án ReBuMat đã được nghiên cứu, ứng dụng trong thực tế là sản phẩm gạch đất không nung tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ của địa phương (đất đồi, đất không có khả năng canh tác) để làm nhà ở thân thiện với môi trường cho bà con vùng cao các tỉnh phía Bắc.
GS Nguyễn Văn Tuấn - Trường ĐHXD Hà Nội cho biết, dự án là công trình nghiên cứu có tính liên ngành giữa Kiến trúc - Kết cấu - Vật liệu - Cơ khí của các Khoa trong Trường ĐHXD Hà Nội, cũng là kết quả ứng dụng của đề tài nghiên cứu KHCN mã số RD 49-22 của Bộ Xây dựng và dự án hợp tác quốc tế ReBuMat.
Hiện Nhóm tác giả đề tài đã chuyển giao kỹ thuật sản xuất gạch đất không nung và quy trình thi công tường bằng gạch đất không nung dạng tự chèn (interlocking) cho đồng bào dân tộc Tày tại xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Người dân địa phương đã tiếp nhận, làm chủ kỹ thuật và trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất gạch đất không nung và thi công xây dựng nhà ở bằng vật liệu gạch này…