Ngành VLXD Việt Nam có vai trò rất lớn trong xây dựng và phát triển đất nước, với tổng doanh thu hàng năm khoảng 47 tỷ USD, chiếm khoảng 11% GDP quốc gia. Thêm nữa, nhu cầu sử dụng VLXD trong nước còn rất lớn khi mà tỷ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 43%, hệ thống hạ tầng chưa được hoàn thiện. Đây là cơ hội để ngành VLXD Việt Nam đầu tư, phát triển.
Tuy nhiên, trong xu thế không ngừng phát triển với yêu cầu ngày càng gắt gao về công nghệ, tính bền vững, hiệu quả và thẩm mỹ thì việc phát triển các loại vật liệu mới, tái chế, thông minh... phù hợp với kiến trúc hiện đại thay thế cho các loại VLXD truyền thống là yêu cầu cấp thiết để phát triển và sử dụng trong các công trình xây dựng, giao thông.
Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 179/QĐ-TTg, đặt mục tiêu phát triển mạnh công nghiệp VLXD theo hướng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên khoáng sản, thân thiện với môi trường, có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu trong nước, tăng cường xuất khẩu VLXD cao cấp, phát triển các VLXD mới.
Ngoài ra, để phát triển VLXD theo xu hướng xanh, hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường, Chính phủ cũng đưa ra những mục tiêu cụ thể trong Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/8/2020 như: Phát triển ngành công nghiệp sản xuất VLXD đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; Loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất VLXD lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; Xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.
Nhờ vậy, ngành công nghiệp sản xuất VLXD Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc về năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và thế giới. Trong đó, nhiều lĩnh vực đã làm chủ được công nghệ sản xuất như: xi măng, kính, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, vật liệu xây không nung, sơn,…
Cùng với sự phát triển của KHCN, ngành VLXD Việt Nam đã chủ động hội nhập quốc tế, hướng đến áp dụng những tiến bộ mới, nâng cao tính năng sản phẩm; Tận dụng tối đa chất thải rắn làm nguyên liệu thay thế, phát thải carbon thấp; Sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh.
Đặc biệt, thời gian qua, để đạt được mục tiêu Net Zero vào 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 và nhằm kiến tạo nên một tương lai không rác thải, các nhà nghiên cứu đều chú trọng nghiên cứu, phát triển các loại VLXD thân thiện môi trường, có nguồn gốc sinh học, không phát thải carbon, thậm chí là VLXD âm carbon… Đó là những chủng loại VLXD mới, tính năng cao như:
VLXD xanh thân thiện với môi trường như: bê tông tự khôi phục, bê tông xanh, bê tông tính năng siêu cao, đá ốp lát nhân tạo, gạch tự làm mát, gạch không nung, tấm thông minh, kính tiết kiệm năng lượng, cát nhân tạo từ đá hoặc sỏi cuội hay vật liệu composite…;
VLXD ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Công nghệ Nano trong sản xuất sơn nước, trong sản xuất phụ gia cho xi măng và bê tông;
Công nghệ in 3D được sử dụng để tạo ra các mô hình kiến trúc chi tiết, giúp các nhà thầu và kiến trúc sư dễ dàng hình dung và điều chỉnh thiết kế trước khi triển khai xây dựng;
Vật liệu tái chế là một xu hướng tất yếu trong ngành Xây dựng bởi tính bền vững và thân thiện với môi trường. Ví dụ thép tái chế có thể thay thế cho cốt thép truyền thống trong bê tông, góp phần giảm thiểu nhu cầu khai thác quặng sắt, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên;
Vật liệu thông minh có khả năng cảm nhận và phản ứng với môi trường xung quanh, mang đến những giải pháp tối ưu cho công trình. Ứng dụng thực tế: Kính thông minh tự điều chỉnh độ sáng giúp giảm thiểu lượng nhiệt truyền vào nhà, tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Vật liệu sinh học, được làm từ các nguyên liệu sinh học như tre, nấm và rong biển, góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường và hướng đến sự phát triển bền vững.
Có thể thấy, ngành VLXD đang trên đà phát triển mạnh mẽ với những xu hướng mới hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho con người và môi trường. Việc nắm bắt và ứng dụng hiệu quả các xu hướng này sẽ góp phần tạo ra những công trình chất lượng, bền vững và thân thiện với môi trường.
Hiện nay, trên thế giới, ngành sản xuất VLXD với nền KHCN hiện đại đã phát minh ra những loại vật liệu siêu tính năng, tạo nên những đột phá và ứng dụng tuyệt vời cho cuộc sống loài người. Những loại vật liệu này có các tính năng thông minh, nhẹ hơn, bền bỉ hơn và thân thiện với môi trường hơn so với các VLXD truyền thống.
Đây là những VLXD thú vị, sáng tạo nhất; hiện đang được thử nghiệm và ứng dụng trong nhiều công trình xây dựng, giao thông trên thế giới. Chúng được sử dụng cho cả lớp hoàn thiện trang trí và làm vật liệu cốt lõi trong các kết cấu xây dựng như: gỗ trong suốt, sợi carbon, bê tông tự phục hồi, vật liệu Aerogel cách điện, Graphene, Richlite, đá glanite lỏng, bê tông tự uốn, thép cây Hemp, xi măng phát sáng,…
Tại Việt Nam, Tập đoàn Phenikaa là một trong những đơn vị tiên phong phát triển vật liệu và công nghệ tiên tiến theo định hướng phát triển xanh. Những năm qua, Phenikaa đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, đặc biệt là các giải pháp tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) và vật liệu xanh bền vững. Phenikaa cũng là doanh nghiệp duy nhất chủ động phát triển nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh cao cấp chiếm 95 - 97% cấu thành sản phẩm. Đây là thành công trong chiến lược nội địa hóa vật liệu đầu vào cho sản xuất, chủ động hướng tới phát triển xanh. Phenikaa đặt mục tiêu năm 2028 sẽ cắt giảm 10% phát thải khí nhà kính, đến 2035 sẽ cắt giảm 15% tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đánh giá về ngành công nghiệp sản xuất VLXD thời gian qua, ông Nguyễn Quang Hiệp - Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết, cùng với sự phát triển của KHCN, công nghệ sản xuất VLXD cũng ngày càng được đầu tư nghiên cứu ứng dụng nhiều hơn, các sản phẩm VLXD được sản xuất nhiều chủng loại với các đặc tính mới ưu việt hơn. Nhà nước cũng ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm khuyến khích phát triển sản xuất VLXD theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên và thân thiện với môi trường.
Để phát triển ngành VLXD theo hướng bền vững, tiệm cận với thế giới, ông Nguyễn Quang Hiệp cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu phát triển các loại VLXD mới, tính năng cao, các loại vật liệu thân thiện môi trường phát triển công nghệ sản xuất VLXD tiết kiệm tài nguyên kháng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
Nghiên cứu ban hành hành lang pháp lý (các văn bản quy phạm pháp luật) và hành lang kỹ thuật (quy chuẩn, tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật) thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực VLXD.
Nghiên cứu sử dụng tro đốt rác thải sinh hoạt, các phế thải của ngành công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, xây dựng và bùn thải nạo vét thay thế vật liệu tự nhiên để sản xuất VLXD và làm vật liệu san lấp.
Xây dựng đề án đánh giá lại trữ lượng các khu vực khoáng sản làm VLXD theo các khu vực để làm căn cứ cho đầu tư sản xuất trong giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, cũng cần tạo điều kiện cho ngành VLXD phát triển trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh và yêu cầu về môi trường ngày càng khắt khe thông qua chính sách ưu đãi vay vốn, đào tạo phát triển nhân lực chất lượng cao, xây dựng Bộ tiêu chuẩn và chứng nhận sản phẩm xanh; khuyến khích và tiến tới có tiêu chí bắt buộc các công trình xây mới sử dụng các VLXD xanh.