Ngành xi măng sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn
Tin tức - Sự kiện 11:15 - 17/01/2019
Dù xuất khẩu sản phẩm xi măng năm 2018 đạt kỷ lục 31,65 triệu tấn, tăng tới 55% so với năm 2017; kim ngạch xuất khẩu cũng lần đầu vượt qua con số 1 tỷ USD cùng các dự báo lạc quan về triển vọng phát triển của ngành năm 2019, nhưng áp lực cạnh tranh cũng gia tăng trông thấy.
Tổng công ty Xi măng Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 31 triệu tấn sản phẩm (xi măng và clinker) trong năm 2019 tăng 6% so với năm 2018. Ảnh: Nhã Chi
Đối diện với khó khăn
Dự báo về triển vọng thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) năm 2019, ông Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội VLXD Việt Nam đánh giá, đây sẽ là một năm khó đoán định về thị trường. “Năm 2018, sản xuất và tiêu thụ VLXD ghi nhận kết quả tốt, xuất khẩu của nhiều mặt hàng VLXD như thép, xi măng… đều tăng cao. Tuy nhiên, năm 2019, thị trường rất khó dự đoán”.
Ông Sâm phân tích, xét về thị trường, năm qua, Bangladesh, Trung Quốc… đều là những thị trường xuất khẩu lớn của ngành xi măng, nhưng năm 2019 chưa chắc chúng ta xuất khẩu được nhiều sang các thị trường này, bởi rất có thể chính sách nhập khẩu VLXD của họ sẽ thay đổi. “Hiện do giá xi măng Trung Quốc cao và vì những biện pháp về môi trường nên một số nhà máy của Trung Quốc không đáp ứng được yêu cầu buộc phải đóng cửa, nhưng nếu họ thay đổi chính sách hoặc DN có đầu tư tốt thì câu chuyện có thể khác”.
Nhìn về cơ hội thị trường đối với ngành VLXD khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, đại diện Hội VLXD Việt Nam cho rằng, cơ hội sẽ không lớn. Lý do là, những năm qua, VLXD Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường các nước thành viên khác của CPTPP chưa nhiều. Chúng ta vẫn thiếu những sản phẩm xuất sắc… Do đó, khi CPTPP có hiệu lực, áp lực cạnh tranh đối với ngành trong năm 2019 tương đối gay gắt.
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định: “Dự báo triển vọng ngành xi măng năm 2019 là vấn đề hóc búa. Song với đà tăng trưởng tốt của ngành xi măng trong năm 2018 thì nhiều khả năng ngành sẽ tiếp tục có một năm tăng trưởng khá”. Ông Cung dự đoán, năm 2019, mức tăng trưởng của ngành xi măng đạt khoảng 7 - 8%, xuất khẩu giữ ở mức như năm 2018.
Trong khi đó, ông Thái Duy Sâm cho biết: “Bộ Xây dựng dự kiến, năm 2019 xuất khẩu xi măng giảm so với năm 2018. Năm 2018 xuất khẩu 31,3 triệu tấn nhưng năm 2019 dự kiến chỉ 25 triệu tấn; tiêu thụ trong nước tăng, từ 64 triệu tấn năm 2018 lên 70 triệu tấn năm 2019”.
Tập trung nâng cao sức cạnh tranh
Nhằm tận dụng cơ hội thị trường tại các nước thành viên CPTPP, ông Thái Duy Sâm đã đưa ra một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp (DN) trong ngành VLXD, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN. Đối với thông tin một số lĩnh vực VLXD sản xuất vượt nhu cầu như xi măng, gạch ốp lát…, ông Sâm cho rằng, các DN phải có kế hoạch sản xuất bám nhu cầu thị trường, tránh ứ đọng, tồn kho sản phẩm. Hơn nữa, dù một số sản phẩm VLXD có kim ngạch xuất khẩu đạt khá, song năng lực cạnh tranh chưa thực sự cao. DN cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, cụ thể phải nâng cao hơn nữa chất lượng, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm giá thành sản phẩm.
Đề cập kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu VLXD vào thị trường các nước thành viên CPTPP của các DN trong ngành, Hội VLXD Việt Nam cho biết, sắp tới, Hội cùng các DN sẽ đi sâu tìm hiểu các thị trường này, chỗ nào chưa khai thác được thì phải khai thác để hưởng các lợi thế.
Sẵn sàng đối diện với thách thức, kế hoạch năm 2019 vừa công bố của Tổng công ty Xi măng Việt Nam cho biết, năm nay, đơn vị phấn đấu sản xuất và tiêu thụ 31 triệu tấn sản phẩm (xi măng và clinker), tăng 6% so với năm 2018; doanh thu đạt 40.000 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018. Để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, Tổng công ty sẽ đầu tư tăng năng lực sản xuất theo 2 mô hình: Đầu tư chiều sâu để tối ưu hóa năng lực sản xuất; đầu tư mở rộng hoặc mua bán sáp nhập các nhà máy sản xuất xi măng phù hợp với Đề án tái cơ cấu DN…