Ngành xi măng nỗ lực vượt khó
Tin tức - Sự kiện 09:43 - 20/05/2023
Thời gian qua, ngành xi măng đang gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản trầm lắng, đầu tư công chậm và đặc biệt nguồn cung dư thừa. Do đó, các doanh nghiệp xi măng đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, khắc phục những yếu tố bất lợi. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có buổi trao đổi với ông Triệu Đình Trường – Phó Tổng Giám đốc công ty Vicem Hải Phòng.
PV: Xin ông cho biết những khó khăn ngành xi măng đang phải đối mặt hiện nay?
Có thể nói, ngành xi măng Việt Nam ở thời điểm hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2021 và 2022, ngành xi măng gặp khó do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả vật tư đầu vào liên tục tăng cao đặc biệt là giá than, gây ra tác động rất lớn hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành xi măng. Khi bước sang năm 2023, bối cảnh kinh tế xã hội trong nước đầy biến động và thách thức; GDP quý I/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong trong giai đoạn 2011-2023, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020.
Chỉ tính riêng trong Quý I năm nay, toàn ngành gặp nhiều khó khăn như đã dự báo cuối năm 2022 do tình trạng mất cân đối dư cung, trong bối cảnh xuất khẩu xi măng, clinker giảm mạnh cả về số lượng và giá cả, dẫn đến một số nhà máy phải tạm dừng 1- 2 dây chuyền sản xuất do giá bán clinker thấp, càng sản xuất càng lỗ.
Tổng sản phẩm tiêu thụ toàn ngành Quý I/2023 đạt 20,7 triệu tấn, giảm 20% so cùng kỳ, trong đó nhu cầu xi măng toàn xã hội đạt 17,6 triệu tấn, cũng giảm 9% so cùng kỳ và xi măng nội địa đạt 13,1 triệu tấn giảm 15% so cùng kỳ. Nhìn chung, các chỉ tiêu sản xuất và tiêu thụ nói trên đã phản ánh rõ những khó khăn và thách thức của ngành xi măng nói chung trong thời gian qua.
Riêng với Vicem Hải Phòng, mặc dù đã hoàn thành tốt công tác sửa chữa lớn, duy trì ổn định sản xuất, song công tác tiệu thụ sản phẩm vẫn gặp rất nhiều khó khăn do nguồn cung lớn hơn cầu, bên cạnh đó giá các nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng cao (điện, than...) cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
PV: Ông có thể chia sẻ tới bạn đọc câu chuyện mất cân đối cung cầu - vấn đề chưa hết nóng của ngành xi măng ở thời điểm hiện nay, thưa ông?
Trên thực tế, việc dư nguồn cung xi măng đang là một trong những khó khăn lớn nhất của ngành xi măng ở thời điểm hiện tại. Nhìn vào những con số có thể thấy rõ khi trung bình toàn ngành đang sản xuất khoảng 120,7 triệu tấn một năm, trong khi thị trường nội địa chỉ ở mức trên dưới 60 triệu tấn một năm.
Bên cạnh đó, việc Nhà nước tiếp tục duy trì siết chặt phát hành trái phiếu, tín dụng bất động sản đã khiến thị trường ngành này rơi vào trầm lắng, xây dựng dân dụng cũng theo đà giảm tốc. Ngoài ra, các dự án gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp, cũng đang là những thách thức không nhỏ trong việc sản xuất, kinh doanh xi măng trong thời gian qua.
Chưa hết, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt là giá than vẫn duy trì ở mức cao khiến cho hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh giảm mạnh. Nếu như năm 2021, ngành xi măng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình giãn cách kéo dài, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, thì trong năm 2022 và năm nay, mọi sự chú ý đều hướng về giá than.
PV: Năm 2023 các doanh nghiệp xi măng vẫn tiếp thục đối mặt với những khó khăn. Vậy Vicem Hải Phòng sẽ làm gì để vượt qua khó khăn này, thưa ông?
Thời gian tới, các doanh nghiệp xi măng đang trông chờ tín hiệu từ sự phục hồi và phát triển thị trường bất động sản với một loạt giải pháp đang được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung thực hiện nhằm phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Với riêng Vicem Hải Phòng, trong thời gian tới, khi nền kinh tế dần phục hồi với các chính sách kích cầu của Nhà nước, trong khi thành phố tiếp tục đẩy nhanh hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, có thể sẽ là những yếu tố thuận lợi cho công tác tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi.
Để có thể vượt qua những khó khăn, khắc phục những yếu tố bất lợi của thị trường, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì ổn định hệ thống thiết bị, gắn sửa chữa với các chương trình tối ưu hóa, đổi mới sáng tạo, giảm giá thành sản xuất, giải quyết các vấn đề môi trường theo định hướng của Tổng Công ty.
Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn thường xuyên tổng hợp, phân tích đánh giá thị trường, nâng cao năng lực dự báo, đồng thời xây dựng chính sách bán hàng linh hoạt giải pháp mạnh kịp thời theo diễn biến thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn chung và tối ưu hóa logistics, hoàn thiện ứng dụng số hóa trong tiêu thụ.
- Trân trọng cảm ơn ông!