Ảnh minh hoạ
Năm 2025, năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, ghi nhận mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng (tương đương 6,4% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt. Khoản ngân sách này sẽ giúp đẩy mạnh thi công các công trình trọng điểm như tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, sân bay Long Thành, và tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.
Để đẩy mạnh công tác giải ngân vốn cho các dự án hạ tầng trọng điểm, liên tiếp các biện pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công được Chính phủ ban hành.
Đáng chú ý, ngày 19/9/2024, Quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Kế hoạch triển khai đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”.
Vào tháng 11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 115/CĐ-TTg về việc quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Đặc biệt, ngày 29/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 15/01/2025. Điều này sẽ giúp giải quyết các vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tính đến nay, cả nước đã có hơn 2.000 km đường bộ cao tốc. Chính phủ yêu cầu phát động phong trào thi đua 500 ngày để hoàn thành 3.000 km cao tốc trước ngày 31/12/2025.
Trong đó, dự án đường Vành đai 4 Hà Nội, có tổng mức đầu tư hơn 88.694 tỷ đồng, dài 112,8 km, đi qua 3 địa phương và gồm 7 dự án thành phần. Dự kiến đường song hành Vành đai 4 đoạn qua Hà Nội sẽ hoàn thành vào quý 4/2025;
Dự án Đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua 4 địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An dự kiến sẽ thông xe vào giữa năm 2025 và hoàn thành vào năm 2026;
Dự án sân bay quốc tế Long Thành được chia thành 3 giai đoạn chính với tổng vốn đầu tư khái toán là hơn 16 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 1 đang được xây dựng với vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD và dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm 2027.
Ngoài ra, dự án đường sắt tốc độ cao 350 km/h trên trục Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua, với tổng vốn đầu tư 67,3 tỷ USD. Dự án dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2027 và hoàn thành vào năm 2035. Dự án này có chi phí đầu tư hơn 67 tỷ USD, thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD sẽ được tạo ra khi đầu tư đường sắt tốc độ cao. Các hạng mục khác như hệ thống điều khiển, cấp điện và phương tiện cũng đóng góp một phần đáng kể vào tổng chi phí dự án.
Đây được xem là cơ hội cho các các doanh nghiệp ngành thép, xi măng, nhựa đường, xây lắp hạ tầng, logistics,.. có động lực phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trong nhóm doanh nghiệp nguyên vật liệu, Công ty Chứng khoán ACB (ABCS) đưa ra dự báo, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) sẽ tăng sản lượng thép xây dựng khoảng 10% trong năm 2025 nhờ nhu cầu từ các dự án đầu tư công.
Trong khi đó, Công ty CP Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (VLB) cũng đang sở hữu 5 mỏ đá (Thạnh Phú 1, Thiện Tân 2, Tân Cang 1, Soklu 2, Soklu 5), các mỏ đá của doanh nghiệp này đều có vị trí thuận lợi, cung cấp cho các dự án trọng điểm khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, sân bay Long Thành, Vành đai 3 TP.HCM. Ước tính nhu cầu đá xây dựng cho hoạt động phát triển các dự án trọng điểm tại Nam Bộ giai đoạn 2024 - 2030 sẽ ở mức 37,3 tr. m3 các loại, tương đương với lượng đá tiêu thụ hàng năm sẽ tăng thêm 10%. Với tổng công suất khai thác cấp phép là 5,7 triệu m3/năm sẽ giúp doanh nghiệp này hưởng lợi khi phục vụ nhu cầu đá xây dựng được gia tăng.
Theo các nhà phân tích thị trường, năm 2025, thị trường tiêu thụ VLXD được kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần thận trọng, theo sát diễn biến toàn cầu và tận dụng những cơ hội từ các biến động bất thường. Đây sẽ là năm mà sự cân bằng giữa kỳ vọng và ứng phó với rủi ro là yếu tố quyết định thành công.
Bên cạnh việc tập trung vào thị trường nội địa, các nhà phân tích cho rằng, việc mở rộng thị trường xuất khẩu cũng là một giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp trong ngành VLXD phục hồi mạnh mẽ trở lại. Thị trường xuất khẩu mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu xây dựng tại các quốc gia đang phát triển ngày càng tăng cao.