Kiến trúc xanh chính là yếu tố quan trọng của sự phát triển bền vững trong xây dựng. Đó là các yếu tố về bảo tồn sinh thái, môi trường, hiệu quả sử dụng không gian, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng cùng các tiện ích tiện nghi cuộc sống. Những công trình kiến trúc xanh tiêu biểu dưới đây chính là minh chứng cho điều đó.
Tháp Thượng Hải, Trung Quốc
Tháp Thượng Hải là tòa nhà cao nhất ở Trung Quốc với chiều cao khoảng 632m. Trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực bảo vệ môi trường thì tòa nhà 128 tầng này đã trở thành một công trình xanh tiêu biểu, công trình còn được coi là biểu tượng mới của cả thành phố.
Nhằm giảm thiểu chi phí cho năng lượng, công trình đã được lắp đặt khoảng 200 tuabin gió. Hệ thống tuabin gió này có khả năng đáp ứng 10% điện tiêu thụ trên toàn bộ công trình. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống sưởi ấm và làm mát đều là các thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Để thông gió và làm mát tự nhiên, tòa nhà được thiết kế bao bọc bởi 2 lớp kính cùng với thiết kế dạng xoắn tăng khả năng chống chịu gió mạnh. Bên cạnh đó, nước mưa sẽ được tích lại để đưa vào hệ thống tái sử dụng.
Một trong những đặc điểm kiến trúc nổi bật nhất của tháp Thượng Hải chắc chắn phải kể đến không gian xanh với 24 khu vườn rải rác khắp tòa nhà, chiếm đến 1/3 tổng diện tích công trình.
The Crystal, Anh Quốc
Tọa lạc tại London, The Crystal thực chất được lấy cảm hứng từ nhà hát Opera ở Sydney. Đây được coi là một trong những công trình xanh nổi bật trên thế giới. Không chỉ bởi tính bền vững của công trình mà còn do khả năng tự tạo năng lượng để vận hành các thiết bị điện tử bên trong tòa nhà.
The Crystal đã được trao giấy chứng nhận “công trình xanh” bởi Hệ thống đánh giá Công trình đứng đầu về thiết kế Năng lượng và Môi trường của Mỹ (LEED). Tòa nhà sử dụng một mạng pin quang năng được lắp tại mái nhà với khoảng 120 tấm pin năng lượng mặt trời giúp tạo ra 50.000 kWH điện năng mỗi năm và cung cấp 15% nhu cầu điện tiêu thụ của tòa nhà nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Phần mái nhà của công trình được thiết kế dốc xuống để tích trữ nước mưa. Lượng nước này phục vụ cho việc vận hành máy phát điện cho toàn hệ thống. Các cửa kính bao bọc mặt tiền tòa nhà đều được sử dụng kính tiết kiệm năng lượng, phù hợp với xu thế.
Trung tâm thương mại thế giới Bahrain
Là một tòa tháp đôi có chiều cao 240m tọa lạc tại TP Manama, thủ đô vương quốc Bahrain (nằm trong vịnh Ba Tư, Trung Đông). Công trình là tòa nhà chọc trời đầu tiên trên thế giới có cấu trúc hợp nhất với những tuabin gió khổng lồ.
Trên ba chiếc cầu treo nối liền hai tòa tháp của tòa nhà là ba chiếc tuabin gió lớn. Mỗi tuabin có công suất tương đương 225kW, đường kính dài 29m, hướng về phía bắc để đón luồng gió thổi từ vịnh Ba Tư vào.
Hai tòa tháp mang hình dáng hai cánh buồm đối xứng nhau hai bên, tạo thành một đường luồng ở giữa cung cấp tối đa lượng gió thổi qua các tuabin. Điều này đã được xác thực từ những cuộc kiểm định luồng gió.
Qua đó cho thấy với cấu trúc đối xứng như thế, tòa nhà đã tạo nên một luồng thổi hình chữ “S”, đảm bảo với bất kỳ luồng gió nào dao động trong góc 45° vào một trong hai cánh của trục trung tâm đều tạo thành một luồng gió vuông góc với các tuabin. Cũng chính nhờ những chuyển động đó mà nguồn điện từ các tuabin được phát ra đều đặn và liên tục.
Khoảng 11-15% tổng năng lượng điện cả tòa nhà sử dụng được cung cấp bởi các “cối xay gió” này, nghĩa là 1,1-1,3 GWh/năm. Con số này tương đương tổng điện năng của khoảng 300 hộ dân sử dụng suốt một năm.
Hơn thế nữa, công trình còn là sự kết hợp một khối lượng lớn các vật liệu có khả năng tương tác thân thiện với môi trường thông qua việc giảm thiểu khí thải carbon. Đó là lõi bê tông dày và sàn nhà nhiều lớp đã lược bớt các góc nhằm đáp ứng yêu cầu giảm thải khí vào khí quyển. Hệ thống nước tái chế, nối với hệ thống làm lạnh của tòa nhà, hệ thống cách nhiệt, hay lớp kính ít hấp thụ ánh sáng mặt trời bao phủ xung quanh…
Hệ thống khách sạn Parkroyal, Singapore
Ngay ngoài mặt tiền của khách sạn Parkroyal, có thể thấy những biểu tượng của một công trình khách sạn xanh. Đó chính là hệ thống cây xanh được thiết kế theo nhiều cấp bậc gồm nhiều dây leo và các loại cây nhiệt đới khác nhau. Thiết kế này mang lại cho du khách cảm giác gần gũi với thiên nhiên.
Công trình được xây dựng cùng với một loạt hệ thống ánh sáng cảm biến, hệ thống xử lý nước mưa, nước thải hiệu quả. Cùng với đó là hệ thống làm mát tiết kiệm năng lượng, cửa kính tiết kiệm năng lượng,…
Trung tâm Nghiên cứu môi trường Lewis Adam Joseph, Hoa Kỳ
Được xây dựng và hoàn thiện vào năm 2001, Trung tâm Lewis thuộc khuôn viên của trường cao đẳng Oberlin. Công trình này bao gồm nhiều lớp học, văn phòng, một thư viện nghiên cứu môi trường và một thính phòng.
Thay vì sử dụng các nguồn năng lượng từ lưới điện truyền thống, tòa nhà này tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên thông qua một loạt các tấm pin năng lượng mặt trời. Thiết kế này cung cấp điện chiếu sáng và vận hành các thiết bị điện tử.
Bên cạnh đó, tòa nhà cũng giảm được tối đa lượng điện chiếu sáng nhờ vào hệ thống đèn thông minh. Tại đây cũng được lắp đặt một hệ thống làm ấm và mát địa nhiệt để điều hòa nhiệt độ bên trong tòa nhà.
Mặt khác, để không tạo ra sự ô nhiễm hệ thống lọc và xử lý nước thải của Trung tâm Lewis cũng được áp dụng phương pháp phân hủy sinh học.
Nhà kính Công nương xứ Wales, Anh Quốc
Nhà kính Công nương xứ Wales là một trong ba nhà kính chính của Vườn thực vật hoàng gia Kew. Được xây dựng vào năm 1982, công trình này có tên gọi ban đầu là Công Augusta. Cho đến năm 1987, khi công nương Diana của xứ Wales đến đây dự khánh thành. Từ đó nhà kính được đổi tên như hiện nay.
Với hệ thống 10 máy tính kiểm soát các khu vực khí hậu dưới một mái nhà, công trình xanh này được xem là nhà kính phức tạp nhất ở Kew. Tại đây chia thành 2 khu vực khí hậu chính là “nhiệt đới khô” và “nhiệt đới ẩm ướt”. Mỗi khu vực lại đại diện cho những vùng khác nhau trên thế giới. Đây là tác phẩm của kiến trúc sư Gordon Wilson được thiết kế. Mục tiêu chính là sử dụng năng lượng hiệu quả và dễ bảo trì.
Ưu điểm nổi bật của các công trình xanh trên, đều là thân thiện với môi trường, sử dụng các vật liệu xanh như kính cách nhiệt, kính cường lực, kính chống ồn… Từ đó tận dụng tối đa các yếu tố từ nhiên nhiên như ánh sáng, nhiệt độ,…
Tòa nhà ACROS Fukuoka, Nhật Bản
Là công trình từ lâu được mệnh danh là một những tòa nhà xanh và trong lành nhất trên thế giới. Để đạt tới tiêu chuẩn này, công trình cần đảm bảo mức độ tiêu thụ năng lượng rất thấp, phát triển lối kiến trúc xanh, ứng dụng pin năng lượng mặt trời, hệ thống chiếu sáng thông minh và đặc biệt chú trọng đến hệ thống điều hòa - thông gió vận hành tòa nhà.
Đằng sau sự lộng lẫy của một khách sạn lớn hay tòa nhà cao tầng… ít ai biết rằng đó là một hệ thống khổng lồ và phức tạp đang được duy trì mỗi ngày để có thể đảm bảo việc lưu thông luồng khí vào và ra của hàng ngàn người ở trong đó.
Tòa nhà được xây dựng trên không gian xanh cuối cùng còn sót lại ở trung tâm thành phố, vì vậy nhóm KTS đã tạo ra một thiết kế để bảo tồn không gian xanh nhiều nhất có thể, trong khi vẫn phù hợp với một tòa nhà văn phòng lớn. Ngoài ra, một mái nhà xanh làm giảm tiêu thụ năng lượng của một tòa nhà, vì nó giữ cho nhiệt độ bên trong ổn định và thoải mái hơn.
Tòa nhà xanh Pixel, Úc
Tòa nhà Pixel là tòa nhà văn phòng nằm tại khu CUB Brewery cũ, thành phố Melbourne, Úc. Đây là tòa nhà nổi tiếng không chỉ bởi kiến trúc độc đáo, thu hút với những mảng sắc màu nổi bật mà còn bởi sự thân thiện với môi trường và công năng kỹ thuật của nó.
Đây là công trình được xây dựng với tham vọng trở thành tòa nhà văn phòng trung hòa carbon đầu tiên ở Úc. Giải pháp được áp dụng trong khi thi công giúp tòa nhà tự tạo ra điện và nước thông qua các tuabin gió tại chỗ và mái nhà sử dụng quá trình bốc hơi nước từ tòa nhà. Được thiết kế để cân bằng nước, tòa nhà có thể ngắt kết nối với nguồn điện chính và tự cung cấp cho hầu hết tất cả các nhu cầu về tiện nghi.
Để giảm lượng carbon trong tòa nhà, thiết kế đã sử dụng bê tông carbon thấp (đặt tên là Pixelcrete) và vật liệu xây dựng có nguồn gốc bền vững được tái chế. Tòa nhà lấy ánh sáng tự nhiên từ ánh sáng mặt trời và hạn chế tối đa lượng nhiệt bức xạ bằng 2 lớp kính, lớp bên ngoài được trang trí bằng những màu sắc nổi bật, bắt mắt.
Tòa nhà Pixel đã đạt được 105 điểm LEED và được xếp hạng hoàn hảo 6 sao Green Star, là công trình có mức đánh giá cao nhất từng được trao tặng từ Hội đồng Công trình Xanh của Úc.