Luật Địa chất và Khoáng sản “gỡ khó” quản lý khoáng sản tại địa phương
Tin tức - Sự kiện 04:47 - 18/03/2025
Việc Quốc hội ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm thể chế quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước được nêu tại Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như: “Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phù hợp với thực tiễn; hoàn thiện cơ chế quản lý theo nguyên tắc thị trường...”. Đồng thời, Luật ban hành cũng giải quyết được các vướng mắc như việc tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dựa trên trữ lượng được phê duyệt không bảo đảm tính chính xác tuyệt đối dẫn đến cơ quan quản lý nhà nước phải tính và phê duyệt lại tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi có sự thay đổi về trữ lượng trong quá trình khai thác khoáng sản, gây tốn kém nguồn lực và phát sinh các hệ lụy khác; thu tiền cấp quyền khai thác trước khi tiến hành khai thác không tạo điều kiện
.jpg)
Có thể thấy những điểm mới của Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ tháo gỡ được những bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản tại các địa phương trong cả nước. Trong đó nổi bật là, về phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động địa chất, khoáng sản cho UBND cấp tỉnh và cải cách quy trình, thủ tục hành chính theo nhóm khoáng sản. Ví dụ như thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp; chưa phân loại các đối tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp (thủ tục của mỏ đất san lấp phải thực hiện như một mỏ vàng).
Đề xuất phân quyền cho UBND cấp huyện
Ông Bùi Ngọc Ảnh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, để triển khai Luật Địa chất và Khoáng sản, tỉnh Quảng Nam đã tập trung vào các quy định đóng cửa mỏ khoáng sản; bổ sung thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, điều chỉnh phương án quản lý về địa chất, khoáng sản; quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản; quy định chung về khai thác khoáng sản nhóm IV; Quy định chung về thu hồi khoáng sản; thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản; Phân cấp, phân quyền mạnh về địa phương; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia khai thác khoáng sản; thu hồi khoáng sản…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề xuất có điều khoản cho phép UBND cấp tỉnh phân quyền cho UBND cấp huyện cấp giấy phép hoạt động khoáng sản quy mô nhỏ lẻ, nhất là cát, sỏi, đất san lấp nhằm phục vụ xây dựng các công trình dân sinh và nhu cầu của người dân.
“Tỉnh Quảng Nam kỳ vọng, Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ góp phần giúp địa phương nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, phục vụ các công trình, dự án trọng điểm của khu vực, của tỉnh; đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, thống nhất quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong giai đoạn mới”, ông Bùi Ngọc Ảnh nhấn mạnh.
Đẩy mạnh đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Theo UBND tỉnh Gia Lai, thời gian qua, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã có những chuyển biến tích cực, phát huy được giá trị tiềm năng của khoáng sản và tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, kết quả đấu giá còn yếu tố bất thường như: Việc bỏ giá thực hiện qua rất nhiều vòng đấu, thời gian tổ chức cuộc đấu giá bị kéo dài, giá trúng đấu giá tăng cao đột biến. Điều này, dẫn đến các tổ chức, cá nhân sau trúng đấu giá xong đã không thể triển khai được dự án khai thác khoáng sản và chấp nhận bỏ cọc; tác động xấu đến an ninh kinh tế, trật tự xã hội tại địa phương.
Để thực thi Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó đẩy mạnh công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Công văn số 2820/UBND-CNXD về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, theo đó yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tuyên truyền, thông tin rõ cho tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá hiểu được về tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản; thực hiện việc lập hồ sơ mời tham gia đấu giá, xét chọn hồ sơ tham gia đấu giá đảm bảo theo quy định; phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát sản lượng khai thác, đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với sản lượng khai thác, không được phép khai thác vượt trữ lượng cấp phép. Đặc biệt là các mỏ cát, sỏi trên địa bàn; phối hợp với tổ chức đấu giá tài sản xây dựng phương án đấu giá phù hợp với đặc thù của đối tượng đấu giá là quyền khai thác khoáng sản, thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Luật Đấu giá tài sản.
Đồng thời, UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu Công an tỉnh chủ động nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh xử lý kịp thời các trường hợp tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá có các hành vi vi phạm pháp luật trong đấu giá tài sản; phối hợp với cơ quan chức năng quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định, quy trình đấu giá tài sản; thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự các cuộc đấu giá tài sản.
Ngoài ra, UBND tỉnh Gia Lai còn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở nhu cầu sử dụng khoáng sản cho phát triển KT-XH của địa phương có trách nhiệm lập danh mục các khu vực khoáng sản đề nghị đấu giá quyền khai thác khoáng sản đảm bảo phù hợp với Phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1750/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 và Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai để phối hợp với các sở, ngành có liên quan kiểm tra trước khi trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định.
Kiểm soát chặt chẽ trong khai thác khoáng sản
Hiện, các loại khoáng sản được thăm dò, khai thác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chủ yếu thuộc nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng, trong đó nhóm khoáng sản làm xi măng (đá vôi, đá sét) đã được đầu tư khai thác, chế biến với quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động (thuộc 4 nhà máy xi măng: Long Sơn, Bỉm Sơn, Công Thanh và Nghi Sơn). Trong nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng có các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát, sét, đất san lấp) thuộc thẩm quyền quản lý, cấp phép của UBND tỉnh, trong những năm gần đây đã được đầu tư khai thác, chế biến bài bản và hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động địa phương.
Tính đến tháng 2/2024, Sở TN&MT tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện 26 cuộc kiểm tra đột xuất. Qua đó, phát hiện, xử lý và kiến nghị xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm. Trong đó, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 26 vụ; kiến nghị các sở, ngành, UBND các cấp tăng cường công tác quản lý Nhà nước, khắc phục sơ hở, thiếu sót, không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm.
Nhằm sớm đưa Luật Địa chất và Khoáng sản vào cuộc sống, Sở TN&MT tỉnh thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản chấp hành theo quy định của pháp luật. Đồng thời phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ TN&MT để đẩy mạnh công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định; tiến hành đánh giá, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong đấu giá tài sản để sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản theo hướng có quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá, giá khởi điểm, tiền đặt trước... đối với các tài sản có tính đặc thù như quyền khai thác khoáng sản; đôn đốc các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản cập nhật dữ liệu, kết quả khai thác và sử dụng khoáng sản vào cơ sở dữ liệu về khoáng sản để phục vụ công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản.