Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 76/2023/TT-BTC ngày 29/12/2023 quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Theo Thông tư, việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước.
Tiếp tục thực hiện điều tiết ngân sách trung ương hưởng 100% đối với số thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, dịch vụ xuyên biên giới và các dịch vụ khác do nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Thực hiện phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, phân chia thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 10/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) nộp ngân sách trung ương 100% và thực hiện phân chia 65% số thu cho ngân sách trung ương và bố trí dự toán ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương tương ứng 35% số thu để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ.
Nguồn thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý được sử dụng cho chi đầu tư phát triển thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.
Nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết trong dự toán ngân sách địa phương được sử dụng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 10/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tư nêu rõ, năm 2024 thực hiện ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đối với số bổ sung cân đối ngân sách (nếu có), ngân sách trung ương bổ sung tăng thêm 2% so với mức bổ sung cân đối ngân sách năm 2023 đã được Quốc hội quyết định; bổ sung cho ngân sách địa phương để thực hiện tiền lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg, số 1602/QĐ-TTG ngày 10/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương thực hiện theo đúng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã quyết định đối với năm ngân sách trong thời kỳ ổn định. Đối với năm 2024, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách cấp trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định tăng thêm số bổ sung cân đối ngân sách cho ngân sách cấp dưới so với năm 2023. Trường hợp đặc biệt có phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động làm ngân sách địa phương tăng thu lớn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định theo quy định tại khoản 7 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước.
Đồng thời, ngân sách cấp tỉnh bổ sung cân đối ngân sách cho ngân sách cấp dưới để thực hiện cải cách tiền lương theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 12/2/2024 và áp dụng đối với năm ngân sách 2024.
Sửa quy định xác định giá xây dựng công trình
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 14/2023/TT-BXD ngày 29/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Trong đó, Thông tư 14/2023/TT-BXD sửa đổi, bổ sung Điều 9 về xác định giá xây dựng công trình.
Theo đó, giá xây dựng công trình gồm đơn giá xây dựng chi tiết và giá xây dựng tổng hợp. Giá xây dựng công trình xác định theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 24 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục IV Thông tư này.
Chủ đầu tư sử dụng hệ thống giá xây dựng công trình quy định tại khoản 1, 2 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và quy định tại khoản 1, 2 Điều 8 Thông tư này làm cơ sở để xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/2/2024.
Sửa quy định danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu
Bộ Công Thương ban hành Thông tư 45/2023/TT-BCT ngày 29/12/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2021/TT-BCT quy định về danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu do Bộ Công Thương quản lý.
Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 4 về danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu.
Theo đó, khoáng sản xuất khẩu là khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp, đã qua quá trình chế biến, có tên trong Danh mục chủng loại và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sau đây:
Đối với khoáng sản xuất khẩu có nguồn gốc trong nước: Danh mục chủng loại và tiêu chuẩn chất lượng tương ứng tại Phụ lục 1 Thông tư này, gồm: Quặng titan; Quặng tinh bismut; Quặng tinh niken; Tổng các (ôxit, hydroxit, muối) đất hiếm; Quặng fluorit; Bột barit; Đá hoa trắng; Quặng graphit; Bột mica (muscovit mica); Quặng tinh diatomit (bột hóa thạch silic).
Đối với khoáng sản xuất khẩu có nguồn gốc nhập khẩu:
Trường hợp gia công hàng hóa (chế biến) cho thương nhân nước ngoài: Chủng loại và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm sau chế biến thực hiện theo hợp đồng gia công đã ký với thương nhân nước ngoài. Hợp đồng gia công tuân thủ theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý ngoại thương.
Trường hợp khoáng sản đã qua chế biến từ nguồn gốc nhập khẩu ngoài trường hợp nêu trên: Danh mục chủng loại và tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản tương ứng tại Phụ lục 2 Thông tư này, gồm các loại quặng titan: Quặng tinh ilmenit, Bột zircon, Quặng tinh zircon, Quặng tinh rutil, Quặng tinh monazit, Quặng đuôi hỗn hợp, Quặng đuôi zircon và Xỉ titan các loại.
Thương nhân xuất khẩu khoáng sản được lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp theo quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và Nghị định 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành để đánh giá về chủng loại, chất lượng khoáng sản xuất khẩu.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/2/2024.
Sửa quy định về thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
Bộ Công Thương ban hành Thông tư 42/2023/TT-BCT ngày 28/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 37/2019/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thông tư 42/2023/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Điều 11 về thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo đó, tổng thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại không vượt quá thời hạn có hiệu lực của biện pháp phòng vệ thương mại tương ứng. Bộ Công Thương hàng năm xem xét thời hạn miễn trừ đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo một trong các trường hợp được nêu tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo điểm a khoản 1 Điều 16 của Thông tư này, thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại không vượt quá thời hạn áp dụng của biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời đó.
Đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo điểm b khoản 1 Điều 16 của Thông tư này, thời hạn miễn trừ đối với các hồ sơ này không vượt quá 18 tháng tính từ ngày quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 của năm đó hoặc đến ngày 31 tháng 12 của năm tiếp theo.
Đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo điểm c khoản 1 Điều 16 của Thông tư này, thời hạn miễn trừ đối với các hồ sơ này không vượt quá 18 tháng tính từ ngày 01 tháng 01 của năm tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ hoặc tính từ ngày quyết định miễn trừ có hiệu lực.
Đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ bổ sung được Cơ quan điều tra tiếp nhận, thời hạn miễn trừ bổ sung được tính theo thời hạn miễn trừ của quyết định miễn trừ ban đầu.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 13 về tiêu chí xem xét và hình thức miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo đó, Bộ Công Thương xem xét không miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong các trường hợp sau:
Việc áp dụng miễn trừ biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa đó có khả năng dẫn đến hành vi gian lận nhằm lẩn tránh việc bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;
Tổ chức, cá nhân đã được miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa đó bị kết luận không hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ theo yêu cầu của đoàn thanh tra, kiểm tra sau miễn trừ của cơ quan điều tra.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/2/2024.