40 năm những chặng đường với bao khó khăn, thử thách, thăng trầm theo tiến trình phát triển của nền kinh tế đất nước, trong bối cảnh của thế giới đầy biến động.
Bước đường dài các thế hệ lãnh đạo nối tiếp nhau, nhưng mục đích, ý tưởng ban đầu gần như không thay đổi. Hội là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước, gắn liền hoạt động doanh nghiệp với cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước; gắn hoạt động của ngành, của doanh nghiệp với khoa học, công nghệ nội địa, mở rộng với các nước trên thế giới.
Có lẽ, Hội VLXDVN không hoàn toàn giống với các Hội, Hiệp hội lúc bấy giờ. Các Hiệp hội ngành nghề ra đời chủ yếu từ sự tập hợp và nhu cầu của doanh nghiệp. Hội VLXDVN ra đời từ khát khao, lòng đam mê và ý thức vươn lên của các nhà khoa học công nghệ. Thuở đó, ngành VLXD nước nhà còn rất non trẻ, công nghệ sản xuất lạc hậu, doanh nghiệp nhỏ bé, năng lực tài chính hạn hẹp, khả năng tiếp cận với khoa học công nghệ nước ngoài gần như không đáng kể.
Với tầm nhìn, sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm với ngành, với đất nước các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu như Viện Silicat (tiền thân Viện VLXD hiện nay), Viện thí nghiệm Vật liệu Xây dựng (tiền thân Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng ngày nay), các giáo sư, tiến sĩ, giáo viên giảng dạy khoa Silicat Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Thủy Lợi, Đại học Xây dựng và nhiều đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ khác đã tụ hợp với nhau đề xuất thành lập Phân viện Vật liệu và Cấu kiện Xây dựng, tiền thân của Hội VLXDVN ngày nay.
Những người lãnh đạo Hiệp hội đầu tiên là các Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Trưởng phó phòng và nhiều nhà khoa học đã nối tiếp nhau chung tay xây dựng, triển khai hoạt động của Hội. Chính những nhà khoa học tâm huyết này sau đều đã trở thành Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng và Thứ trưởng các Bộ ngành khác,… Chính họ là những người đầu tiên cảm nhận được nhu cầu phát triển VLXD Việt Nam bằng con đường nâng cao năng lực, khoa học công nghệ, tiếp cận phát triển VLXD phải gắn liền với công nghệ mới, tiên tiến. Đầu tư, phát triển VLXD phải gắn liền với công nghệ mới, sản phẩm mới và quy mô lớn. Con đường mà Hội VLXDVN song hành cùng doanh nghiệp của ngành từ lúc còn trứng nước cho đến nay đã chứng minh cho sự đúng đắn và tầm nhìn chiến lược đó. Hàng trăm cuộc hội thảo khoa học công nghệ, hàng ngàn cuộc tiếp xúc giữa Hội, các doanh nghiệp thành viên của Hội với các nhà khoa học, công nghệ và các nhà cung cấp công nghệ thiết bị, dây chuyền công nghệ sản xuất ở trong nước và nước ngoài đã giúp cho công nghệ VLXD Việt Nam tiếp cận với công nghệ tiên tiến của thế giới.
Từ một nền công nghiệp VLXD gắn liền với các lò nung gạch thủ công nhỏ bé, ô nhiễm môi trường, các lò nung vôi ở rải rác các vùng núi đá vôi, các lò nung xi măng bằng công nghệ lò đứng thủ công lạc hậu, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh gần như vắng bóng,… mà sau gần nửa thế kỷ VLXD Việt Nam lại đồ sộ, tiến triển quy mô to lớn, sánh vai với các cường quốc VLXD thế giới. Sản phẩm VLXD đa dạng, phong phú, chất lượng cao, mẫu mã đẹp đang đáp ứng từ nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia, kể cả các nước khó tính nhất.
Mặt khác, điều khác thường không chỉ là sự ra đời mà Hội VLXDVN từ ngày còn non trẻ đã có những quyết định táo bạo. Đó là tư duy hoạt động chuyên sâu, đặt lợi ích phát triển của từng lĩnh vực trong tổng thể toàn ngành lên trên hết. Nếu nói có tính hình tượng đó chính là kiểu phát triển của đàn ong, của ong chúa.
Từ Hội VLXDVN theo sáng kiến của lãnh đạo Hội và được sự đồng thuận của Hội, việc đã sớm ra đời các tổ chức Hội, Hiệp hội nghệ nghiệp chuyên ngành mà trên danh nghĩa trong hệ thống quản lý các Hội và Hiệp hội do Hội VLXDVN đề xuất sinh ra không phải là cấp dưới của Hội. Từ Hội VLXDVN đã ra đời Hội Bê tông công nghiệp, Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng, Hiệp hội Kính Xây dựng, Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam… Những Hội, Hiệp hội mới sinh ra hoạt động chuyên sâu theo từng lĩnh vực và nhiều người nghĩ rằng như vậy Hội VLXDVN sẽ co lại, sẽ nhỏ bé lại và sẽ yếu đi. Tuy nhiên, cái được lớn hơn rất nhiều và cho đến tận 30 – 40 năm sau các Hội, Hiệp hội chuyên ngành độc lập đó vẫn luôn song hành cùng Hội VLXDVN, và lãnh đạo của họ vẫn tự nguyện tham gia vào cơ cấu lãnh đạo của Hội VLXDVN. Đây là sự tình nguyện, không ràng buộc nhưng lại tạo nên sức mạnh và suốt chặng đường mấy chục năm qua sự gắn bó giữa Hội VLXDVN với các Hội, Hiệp hội trong ngành vẫn không hề thay đổi, cánh tay của Hội VLXD không ngắn đi, doanh nghiệp VLXD trong nước luôn đồng hành với hoạt động của Hội. Bởi vì, Hội VLXDVN luôn quan tâm và chỉ quan tâm đến sự phát triển bền vững của ngành và làm tất cả vì mục đích đó.
Tạp chí Vật liệu Xây dựng – cơ quan ngôn luận của Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam luôn phản ánh về bức tranh sinh động của ngành, phản ánh những khó khăn thuận lợi, những thách thức và hướng khắc phục của các doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp thuộc Hội, Hiệp hội nào. Các hội thảo chuyên ngành luôn là điểm đến của tất cả doanh nghiệp trong ngành.
Bốn mươi năm một chặng đường, nhiều khó khăn, nhiều bước tiến ngoạn mục ngành VLXD Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất VLXD Việt Nam luôn có người bạn đồng hành thủy chung, không vì lợi ích riêng.
Chúc Hội PHÁT TRIỂN, TRƯỜNG TỒN vì một Ngành Vật liệu Xây dựng phát triển bền vững.
TS. Nguyễn Quang Cung
Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam
Chủ tịch Hiệp Hội Xi măng Việt Nam