Giải pháp đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực chế tạo, bảo trì thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng
Tin tức - Sự kiện 09:21 - 26/11/2020
Chế tạo, bảo trì máy móc thiết bị rất quan trọng trong công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng do thiết bị máy móc sản xuất là nguồn lực tạo ra sản phẩm. Để duy trì chất lượng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu của khách hàng, hoạt động bảo trì bảo dưỡng thiết bị máy móc phải diễn ra theo lịch sao cho không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ sản xuất, đồng thời đảm bảo tính tin cậy cho các thiết bị sản xuất. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, năng lực chế tạo, bảo trì thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng cũng cần được đặc biệt quan tâm.
Nguồn nhân lực chế tạo, bảo trì máy móc thiết bị đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (Ảnh: T/L).
Những năm gần đây, với xu thế hội nhập, các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI ngày càng đầu tư mạnh mẽ về máy móc và thiết bị công nghệ. Do đó, nhu cầu nhân công lĩnh vực cơ khí cũng theo đó tăng lên.
Thống kê trong vài năm trở lại đây cho thấy, cơ khí là một trong 10 nhóm lĩnh vực có nhu cầu nhân lực tuyển dụng đều đặn qua các năm. Hiện tại, ngành này được đào tạo trong các trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp, trường nghề. Các khoa, viện được phân chia theo ngành: Cơ khí, cơ khí chế tạo, cơ khí động lực, máy tàu, đóng tàu, với các chuyên ngành: Cơ khí chế tạo, cơ điện tử, công nghệ tự động, kỹ thuật công nghiệp, động cơ diesel và máy phụ, khung gầm, điện ôtô, cơ khí hóa, cơ khí ôtô, kỹ thuật nhiệt lạnh, máy xây dựng, máy xếp dỡ, khai thác máy tàu biển, cơ học…
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên đơn giản kiếm việc sử dụng thêm vào chuyên môn với mức doanh thu ổn định tại các nhà máy, công ty cơ khí, tập đoàn, viện nghiên cứu, khu công nghệ cao… trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp lúc nào cũng phải đối mặt với bài toán thiếu nhân lực cơ khí, từ công nhân đến kỹ sư. Đây đang là nghịch lý với số lao động thất nghiệp còn nhiều trong khi ngành Cơ khí lại đang thiếu.
Với xu thế phát triển của máy móc, công nghệ hiện đại cũng đồng nghĩa với việc các ngành nghề của hầu hết các lĩnh vực hiện nay, trong đó có thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng đều cần có những công nhân và kỹ sư cơ khí. Do đó, những lao động có tính chuyên nghiệp, sáng tạo và có kiến thức về máy móc, kỹ thuật luôn được chào đón.
Bên cạnh năng lực về chế tạo máy, thiết bị của đội ngũ công nhân lành nghề, kỹ sư thì rất cần những nhân viên bảo trì bảo dưỡng có chuyên môn, có kiến thức, am hiểu về các thiết bị, vật dụng thay thế, biết sử dụng phần mềm quản lý bảo trì thiết bị được cài đặt trên máy tính, trên nền tảng web hoặc viết thành dạng ứng dụng nhỏ gọn trên điện thoại, tăng sự thuận tiện trong hoạt động sản xuất.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành Chế tạo máy, chất lượng sản phẩm cơ khí của doanh nghiệp trong nước còn thấp, giá thành sản xuất cao, thiếu sức cạnh tranh và còn thiếu nhiều doanh nghiệp cơ khí lớn, mang tầm quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt. Trình độ cơ khí chế tạo, nhất là cơ khí chính xác - là trụ cột của sản xuất công nghiệp, lạc hậu so với nhiều nước. Do đó, các cơ quan liên quan cần đưa ra những giải pháp về chính sách để phát triển ngành Cơ khí.
Ông Đào Xuân Minh - nguyên chuyên viên Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách, Bộ Công Thương cho biết, trong xu thế phát triển, việc hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp cơ khí chế tạo là hết sức quan trọng. Để có những nguồn nhân lực chất lượng cao phải có những giải pháp đổi mới đào tạo để phù hợp với chuẩn quốc tế. Từ công tác định hướng nghề, tuyển sinh, đào tạo… tăng cường liên kết giữa nhà trường và cơ sở đào tạo với doanh nghiệp cơ khí bằng việc tổ chức ký kết các hợp đồng giao kết, hỗ trợ cho nhau trong đào tạo, phát triển và cung ứng nhân lực…
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm định và đánh giá chất lượng và kết quả đào tạo. Đối với các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách cần có những giải pháp nghiên cứu sửa đổi chế độ lương bổng, đãi ngộ đối với đội ngũ nhân lực phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công việc. Tránh tình trạng bất bình đẳng và bất hợp lý về thu nhập giữa lao động trong nước và các khu vực khác nhau dẫn đến tiêu cực động cơ phấn đấu và cống hiến của nhân lực trình độ cao, nhân tài, nhất là trong lĩnh vực cơ khí.
Riêng đối với ngành Cơ khí xây dựng, cần đầu tư chiều sâu, đầu tư mới các cơ sở chế tạo máy xây dựng với thiết bị và công nghệ hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất vật liệu xây dựng, thi công xây lắp các công trình lớn, xây dựng đô thị và nông thôn; Phát huy lợi thế đối với lĩnh vực sản xuất kết cấu kim loại trong xây dựng và các dự án công nghiệp, tập trung chế tạo các thiết bị máy xây dựng có độ phức tạp cao, hiện đại mà thị trường trong nước và nước ngoài có nhu cầu.
Nhà nước cũng cần ưu tiên đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo ngành Cơ khí đủ năng lực để đào tạo nguồn nhân lực cơ khí chất lượng cao; hỗ trợ kinh phí cử cán bộ, công nhân giỏi đi đào tạo và chuyển giao công nghệ tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và nước ngoài theo các chương trình, dự án được phê duyệt…