Sau đây là cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Trường Giang - Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam với PV Báo Tài nguyên và Môi trường để làm rõ tính cấp thiết của việc xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản cũng như những điểm mới trong Dự thảo Luật này.
PV: Thưa ông, đến nay, sau hơn 10 năm Luật Khoáng sản 2010 chính thức có hiệu lực, ông có thể đánh giá như thế nào về những kết quả triển khai thi hành Luật này?
TS. Nguyễn Trường Giang: Luật Khoáng sản 2010 được ban hành và có hiệu lực là dấu mốc quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cơ bản hoàn thiện, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, phát triển công nghiệp khai khoáng; công tác điều tra, đánh giá khoáng sản đạt nhiều kết quả đáng kể; tăng dự trữ khoáng sản quốc gia, đồng thời phục vụ nhiều ngành kinh tế khác.
TS. Nguyễn Trường Giang - Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam
Hơn nữa, công nghiệp khai khoáng đóng góp đáng kể cho các ngành kinh tế quan trọng như: dầu khí, than, xi măng, sắt - thép, hóa chất, alumin - nhôm... và phát triển chuyển từ “bề rộng” sang “chiều sâu”; công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản được tăng cường, đạt hiệu quả, góp phần chấn chỉnh, đưa hoạt động khoáng sản vào nền nếp; chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được tổ chức thực hiện có hiệu quả…
Năm 2023, xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục Khoáng sản Việt Nam. Hiện nay, đơn vị đang tập trung thực hiện nhiệm vụ này để đảm bảo tiến độ Bộ TN&MT sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024 theo kế hoạch.
Những kết quả trên đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Tuy nhiên, để các quy định ngày càng được hoàn thiện hơn, qua thực tiễn triển khai, trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành và địa phương cho thấy Luật Khoáng sản còn có nhiều hạn chế, bất cập, tồn tại. Các bất cập, tồn tại về cơ chế, chính sách; quy hoạch khoáng sản; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; thủ tục hành chính…
Trong khi một số Luật mới được ban hành như Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch…, một số Luật được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế như Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Đầu tư… thì Luật Khoáng sản vẫn chưa được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp và đồng bộ, thống nhất giữa các Luật. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản 2010, tiến tới hoàn thiện Luật Địa chất và Khoáng sản.
PV: Để tháo gỡ những bất cập, tồn tại trên, trong quá trình xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản, Cục Khoáng sản Việt Nam đã đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản như thế nào?
TS. Nguyễn Trường Giang: Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành tại thời điểm Luật Khoáng sản 2010 vừa mới ban hành, chưa có hiệu lực. Trong khi đó, Luật Địa chất và Khoáng sản đang được xây dựng sau thời điểm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năn 2045. Do vậy, đây là cơ sở chính trị hết sức quan trọng và là định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản 2010, tiến tới hoàn thiện Luật Khoáng sản.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Luật lần này là việc thể chế hoá đầy đủ quan điểm của Nghị quyết số 10-NQ/TW vào Luật Địa chất và Khoáng sản. Theo đó, tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ, quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản tiếp tục khẳng định tài nguyên địa chất, khoáng sản được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm theo quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Luật cũng làm rõ để nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư vốn, công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại trong khai thác, chế biến khoáng sản nhằm thu hồi tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản sau khai thác, chế biến; bảo vệ môi trường theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác trong việc hỗ trợ địa phương, người dân nơi có khoáng sản được khai thác; việc tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội; hoàn thiện quy định về thành phần hồ sơ, thủ tục, trình tự cấp phép thăm dò, khai thác phù hợp với từng nhóm/loại khoáng sản.
Các quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật liên quan; rõ ràng, dễ hiểu và mang tính khả thi cao, thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản, gắn với yêu cầu cải cách các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả.
Các quy định này cần kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp với thực tiễn và các yêu cầu trong quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản trong tình hình mới.
Các quy định tập trung vào việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để địa phương chủ động trong việc phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với thực tế gắn với trách nhiệm thẩm quyền được giao; thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện; xử lý được những tồn tại, tiêu cực trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.
Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; việc tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội... cho địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; hoàn thiện quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; cấp phép hoạt động khoáng sản đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phù hợp với thực tế, nhất là cấp phép cho công trình kết cấu hạ tầng, công trình trọng điểm quốc gia.
Ngoài ra, hoàn thiện cơ chế quản lý theo nguyên tắc thị trường; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí tài nguyên khoáng sản.
PV: Thưa ông, trên cơ sở các định hướng trên, Cục Khoáng sản Việt Nam đã kiến nghị đưa những nội dung mới gì vào Luật Địa chất và Khoáng sản để bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản hiện hành?
TS. Nguyễn Trường Giang: Cục Khoáng sản Việt Nam đã đề xuất đưa những nội dung mới vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản như: chính sách và công cụ kinh tế về địa chất và khoáng sản; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng dân cư trong bảo vệ tài nguyên khoáng sản; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và chế độ báo cáo về địa chất, khoáng sản; bổ sung quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.
Cụ thể, Cục Khoáng sản Việt Nam đề xuất bổ sung quy định nhằm quản lý tập trung, thống nhất về địa chất, khoáng sản, trong đó có thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất; bổ sung quy định về nguồn vốn đầu tư cho điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, về quản lý nhà nước đối với điều tra cơ bản địa chất.
Cục đề nghị xem xét, bổ sung Chương về thăm dò, khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên. Thực tế, nước khoáng, nước nóng là khoáng sản thể lỏng, có tính tái tạo, hoạt động thăm dò, khai thác đơn giản, không ảnh hưởng nhiều đến môi trường, không chiếm dụng nhiều diện tích đất. Vì vậy, nên có quy định riêng với đặc thù loại khoáng sản này.
Cục Khoáng sản Việt Nam cũng đề xuất xây dựng Chương mới về Điều tra cơ bản địa chất, trong đó có những quy định cụ thể về: Điều tra cơ bản tài nguyên vị thế, di sản địa chất, công viên địa chất; Điều tra tai biến địa chất, địa chất môi trường; Điều tra địa chất công trình, địa chất đô thị; Điều tra điều kiện địa chất khác; Hoàn thiện các quy định về lưu trữ, sử dụng thông tin về địa chất khoáng sản, trách nhiệm của nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điều tra cơ bản địa chất.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!