Khai thác cát biển tại Sóc Trăng.
Bộ TN&MT (nay là Bộ NN&MT) từ năm 2023 đã tiến hành khảo sát tại tỉnh Sóc Trăng và khoanh định được 01 thân khoáng cát biển có diện tích 160,3 km2, phân bố nằm ngay trên bề mặt đáy biển, đáp ứng yêu cầu làm vật liệu san lắp.
Dự án cũng đã lựa chọn được khu vực diện tích 32 km2 có khoáng sản cát làm vật liệu san lấp với chiều dày trung bình 4,5 m, hàm lượng tổng cát 86%, tài nguyên cấp 222 là 145 triệu m3, phân bố tại khu vực biển độ sâu phổ biến 2 - 5 m, cách bờ 20 km, có điều kiện khai thác khả thi.
Bộ TN&MT bàn giao cho tỉnh Sóc Trăng để quản lý và cấp phép khai thác theo quy định. Đồng thời, từ giữa năm 2024, Thủ tướng Chính phủ cho phép Sóc Trăng khai thác 5,5 triệu m3 cát biển để thí điểm làm vật liệu xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Tuy nhiên, đến nay nhìn chung các địa phương vùng ĐBSCL vẫn loay hoay với cát biển.
“Bật đèn xanh” cho cát biển
Do hiện nay ĐBSCL đang triển khai thực hiện nhiều dự án đường bộ cao tốc nên cần một số lượng lớn cát để san lấp xây dựng. Theo dự tính nhu cầu 55,5 triệu m3 cát cho 5 dự án đường cao tốc khu vực ĐBSCL. Chưa bao giờ nhu cầu cát của khu vực ĐBSCL lớn như vậy.
Ngày 11/5/2024, tại Vĩnh Long, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp giải quyết khó khăn, vướng mắc về vật liệu cát xây dựng phụ vụ các dự án đường cao tốc khu vực ĐBSCL. Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo đối với những dự án cao tốc thiếu cát thì chuyển sang dùng cát biển.
“Tôi quyết luôn, hiện nay các dự án cao tốc nào mà đang thiếu cát, Bộ GTVT chuyển hết sang sử dụng cát biển, không làm cát sông nữa. Dù các dự án không đi qua tỉnh mình nhưng các tỉnh phải coi việc cung cấp cát là trách nhiệm của tỉnh, vì sự phát triển chung của đất nước", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Sau kết luận Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, Bộ TN&MT (nay là Bộ NN&MT) đã ban hành Quyết định số 1746/QĐ-BTNMT ngày 28/6/2024 và Quyết định số 1747/QĐ-BTNMT ngày 28/6/2024, giao khu vực biển cho nhà thầu để bắt đầu khai thác từ ngày 29/6/2024; đồng thời, UBND tỉnh Sóc Trăng, địa phương có tiềm năng cát biển lớn trong khu vực ĐBSCL, đã cấp các giấy xác nhận cho hai nhà thầu là Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C khai thác cát biển tại vùng biển tỉnh Sóc Trăng để khai thác cung cấp cho dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (Dự án thành phần Cần Thơ - Cà Mau), tổng trữ lượng đăng ký khai thác là 5,5 triệu m3, công suất khai thác trung bình theo tháng là 1 triệu m3/tháng, trung bình theo ngày là 85.000 m3/ngày.
Đến ngày 13/7/2024, tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, Bộ GTVT cho biết: Xác định nguồn cung cát đắp nền đường với tổng trữ lượng 63,1 triệu m3/nhu cầu 55,5 triệu/m3 cho 5 dự án (tỉnh An Giang 22 triệu m3; tỉnh Đồng Tháp 9,3 triệu m3; tỉnh Vĩnh Long 5 triệu m3; tỉnh Bến Tre 5,4 triệu m3; tỉnh Tiền Giang 9,3 triệu m3; tỉnh Sóc Trăng 12,1 triệu m3, bao gồm 5,5 triệu m3 cát biển), trong đó, đã đủ điều kiện khai thác khoảng 36,83 triệu m3, được hoàn thiện thủ tục cung ứng cho 26,27 triệu m3.
Theo Bộ TN&MT, ngoài tiềm năng về cát sông, năm 2023, Bộ cũng đã thực hiện Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL”.
KCN VSIP đang trông chờ nguồn cát biển để thực hiện san lấp mặt bằng.
Vẫn loay hoay với cát biển san lấp mặt bằng
Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ “bật đèn xanh” mở đường cho phép thí điểm khai thác cát biển để làm vật liệu xây dựng đường cao tốc, san lấp hạ tầng giao thông, đô thị nhưng đến nay, các địa phương vùng ĐBSCL vẫn loay hoay với cát biển san lấp mặt bằng các KCN và đường giao thông.
Mới đây, ngày 27/3/2025, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã có Công văn số 1375/UBND-XDĐT về việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp dự án KCN Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1) trên địa bàn TP Cần Thơ gửi Thủ tướng Chính phủ. Tại Công văn này, UBND TP Cần Thơ cho biết, hiện nay trên địa bàn không còn mỏ khoáng sản cát san lấp đang hoạt động nào, do đã hết hạn giấy phép và đang thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định.
Trong giai đoạn hiện nay, các công trình giao thông trọng điểm tại khu vực ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều, các KCN và khu đô thị ngày càng phát triển. Một số dự án trọng điểm trên địa bàn TP Cần Thơ đang triển khai như: Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; hai tuyến đường bộ cao tốc qua địa bàn, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Ngoài ra, còn có một số dự án, công trình do Thành phố đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công trình KCN VSIP Vĩnh Thạnh, KCN Phú Mỹ… Qua đó, cho thấy nhu cầu sử dụng vật liệu cát san lấp trên địa bàn Thành phố rất lớn, khoảng 70 triệu m3, dẫn đến tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng các công trình, dự án đầu tư.
Thời gian qua, Chính phủ cùng các Bộ, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp điều phối và cung ứng nhu cầu vật liệu san lấp cho các công trình trọng điểm như: Điều phối cát từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang… và thí điểm việc sử dụng cát biển cho công trình giao thông trọng điểm, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực.
Tuy nhiên, việc điều phối và cung ứng cát từ các địa phương chưa đáp ứng đủ yêu cầu và việc nghiên cứu sử dụng cát biển cho các công trình khác (KCN, khu đô thị…) hay sử dụng cho các khu vực vùng nước ngọt như TP Cần Thơ chưa được nghiên cứu thí điểm để có thể mở rộng áp dụng trên nhiều điều kiện môi trường khác nhau.
Từ những số liệu báo cáo và khó khăn, UBND TP Cần Thơ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp dự án KCN Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1) trên cơ sở các giải pháp kỹ thuật được chủ dự án đề xuất theo hướng đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan theo hướng dẫn của Bộ, ngành chức năng.
Đồng thời, UBND TP Cần Thơ cũng đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn giải pháp kỹ thuật cho địa phương, chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các công trình KCN.
Hiện nay, nhiều công trình KCN, khu đô thị, đường giao thông… cần lượng lớn về cát để san lấp hạ tầng. Tuy nhiên, nguồn cát sông ngày càng khan hiếm, không đáp ứng đủ, ĐBSCL dường như chỉ còn biết trông chờ vào nguồn cát biển, nhưng đến nay vẫn loay hoay không biết sử dụng như thế nào, quy chuẩn ra sao và tác động môi trường đến đâu.