Nghiên cứu ứng dụng đồng xử lý chất thải CNTT trong lò nung clanhke
Ngay từ những năm đầu thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, các nhà khoa học, chuyên gia của Việt Nam đã nhận định, trong khi các nước phát triển tập trung chuyển đổi sang một xã hội ít carbon, nhấn mạnh đến yếu tố môi trường thì các nước kém phát triển hơn lại nhấn mạnh vào yếu tố tăng trưởng trong xã hội ít carbon. Vì thế, ngoài khái niệm “kinh tế xanh”, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển quan tâm hơn tới khái niệm “tăng trưởng xanh” do mục đích tăng trưởng luôn được đặt lên hàng đầu. Việt Nam cũng nằm trong xu hướng này.
Theo các chuyên gia, để chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, các nước phát triển có điều kiện tài chính, nguồn nhân lực và công nghệ có thể chuyển đổi sang nền kinh tế xanh thông qua đầu tư, phát triển những lĩnh vực mới để giúp phát triển xã hội, môi trường bền vững. Trong khi đó, các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam hiện nay phải tốn nhiều chi phí và thời gian hơn để điều chỉnh dần nền kinh tế truyền thống trở nên thân thiện hơn với môi trường.
Nắm bắt xu hướng này, sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới, từ tháng 3/2020, Xi măng Lam Thạch đã đầu tư 1 dây chuyền công nghệ đồng xử lý chất thải công nghiệp thông thường (CNTT) dùng để làm nhiên liệu thay thế than đốt cho lò nung clanhke. Dây chuyền công nghệ đồng xử lý chất thải CNTT của Xi măng Lam Thạch có khả năng xử lý các loại chất thải CNTT như: vải vụn, đế giày, PE, PU, PVC, mút, xốp, gỗ, bùn thải của hệ thống xử lý nước không chứa thành phần nguy hại.
Tính đến thời điểm hiện nay, dây chuyền này đã xử lý được hơn 4.058 tấn chất thải CNTT, trong đó bùn thải hơn 761 tấn, chất thải CNTT hơn 3.297 tấn, có khả năng thay thế 15 - 20% lượng nhiên liệu sử dụng cho cả 2 dây chuyền sản xuất clanhke công suất mỗi dây chuyền 1.200 tấn clanhke/ngày.
Ông Ngô Hữu Thế - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xi măng Lam Thạch, Giám đốc Nhà máy Xi măng Lam Thạch II, đồng thời cũng là Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu ứng dụng đồng xử lý chất thải CNTT làm nguyên nhiên liệu thay thế trong lò xi măng tại Nhà máy Xi măng Lam Thạch II” cho biết, xử lý chất thải trong lò nung xi măng (quá trình đồng xử lý - Co-Processing) là một trong những giải pháp quản lý chất thải bền vững nhất và được các nhà khoa học, các nước tiên tiến trên thế giới thừa nhận và xếp ở mức cao hơn so với các biện pháp chôn lấp hay thiêu hủy trên tháp quản lý chất thải. Bởi, nguyên tắc để tiêu hủy chất thải an toàn và hợp lý là phải thiêu đốt ở nhiệt độ cao. Quá trình thiêu đốt ở nhiệt độ cao thực chất là phân hủy bằng nhiệt các phân tử hữu cơ và biến đổi chúng thành CO2 và nước. Để đạt được tình trạng phân hủy hoàn toàn cần có nhiệt độ đủ cao, cung cấp đủ ôxy, thời gian lưu cháy và điều kiện trộn đốt. Các lò nung xi măng đáp ứng tốt nhất các điều kiện, yêu cầu này.
Hiện nay, tại Nhà máy Xi măng Lam Thạch II đang vận hành dây chuyền thiết bị tiên tiến, hiện đại, sản xuất clanhke bằng lò quay theo phương pháp khô có tháp trao đổi nhiệt 5 tầng cyclon và buồng phân hủy với năng suất thiết kế 1.200 tấn clanhke/ngày.
Toàn bộ dây chuyền, thiết bị công nghệ đồng xử lý được trang bị đồng bộ cùng với hệ thống kiểm tra, đo lường và điều khiển tự động tiên tiến trên thế giới, cho phép sử dụng một cách tối ưu các nguyên, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và ổn định, đồng thời bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, vệ sinh công nghiệp và bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Bên cạnh đó, chất thải CNTT phổ biến sử dụng làm nhiên liệu thay thế có chất bốc cao hơn 30% nên khả năng bắt cháy và cháy kiệt là rất tốt, giảm thiểu khả năng quá nhiệt cục bộ và không phát sinh CO2 trong khí thải. Hàm lượng tro thấp tương đương than nên gần như không ảnh hưởng đến thành phần khoáng của clanhke.
Để bảo đảm kết quả thực hiện đề tài khoa học về đồng xử lý chất thải CNTT trong lò nung clanhke và hiệu quả vận hành tốt nhất của dây chuyền đồng xử lý chất thải, Xi măng Lam Thạch đã bố trí khoảng 20 nhân sự tham gia thực hiện, trong đó hầu hết là các nhân sự chủ chốt có chuyên môn cao ở các phòng ban trong công ty và các chuyên gia cao cấp của các tập đoàn lớn hàng đầu trên thế giới: chuyên gia đến từ Tập đoàn xi măng CEMEX (Pháp) và chuyên gia đến từ Tập đoàn FONS cung cấp thiết bị công nghệ ngành xi măng (Thổ Nhĩ Kỳ) cùng hỗ trợ kỹ thuật công nghệ đồng xử lý trong lò nung xi măng; chuyên gia đến từ Tập đoàn VLCL RHI (Áo) hỗ trợ kỹ thuật VLCL, chuyên gia đến từ Tập đoàn CTP (Italia) hỗ trợ kỹ thuật công nghệ xử lý phát thải…
Theo các chuyên gia, việc đồng xử lý chất thải CNTT trong sản xuất xi măng có lợi ích và tác động rất lớn, về nhiều mặt. Riêng đối với kinh tế - xã hội và môi trường, hoạt động này góp phần giảm phát thải ra môi trường, chuyển đổi nền kinh tế địa phương từ “nâu sang xanh”, góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, tận dụng tối đa lợi ích kinh tế từ chất thải.
Thành lập Ngân hàng rác - Gửi rác rút tiền
Song song với việc đầu tư dây chuyền đồng xử lý chất thải thông thường, Xi măng Lam Thạch phát động Chương trình Ngân hàng rác - Gửi rác rút tiền đến toàn bộ cán bộ công nhân viên của công ty và cộng đồng cư dân trên địa bàn hoạt động của nhà máy.
Ông Lê Văn Tuân - Trưởng phòng Kinh doanh cho biết, việc thành lập và phát động phong trào thi đua Ngân hàng rác - Gửi rác rút tiền không chỉ là hành động cụ thể của Nhà máy Xi măng Lam Thạch, mà còn là yêu cầu vừa mang tính cấp thiết vừa mang tính tính lâu dài để dần hình thành thói quen phân loại rác trong toàn bộ cán bộ công nhân viên của công ty và cộng đồng cư dân trên địa bàn, góp phần không nhỏ vào quá trình chống rác thải nhựa, phân loại thu gom rác thải tái chế, tái sử dụng chất thải.
Theo đó, tất cả cán bộ công nhân viên trong công ty và nhân dân trên địa bàn khi có rác thải tái chế CNTT, rác tái chế thuộc sở hữu của mình, khi có nhu cầu mang đến các địa điểm thu gom của Xi măng Lam Thạch để làm thủ tục gửi rác, rút tiền.
Mỗi người khi đến gửi rác vào ngày thứ 4 và thứ 6 hằng tuần, từ 6h30’ - 8h30’ sáng và 14h30’ - 16h30’ chiều, chỉ cần có duy nhất một loại giấy tờ: căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, thẻ sinh viên, thẻ học sinh hoặc giấy tờ tùy thân khác: sổ hộ khẩu, giấy tạm trú tặm vắng… sẽ được Xi măng Lam Thạch mở một tài khoản để quản lý toàn bộ dữ liệu hoạt động gửi rác.
Sau khi mở xong tài khoản và hoàn thành việc gửi rác lần đầu, người gửi rác sẽ được cấp một Chứng chỉ gửi rác với đầy đủ thông tin người gửi rác, ngày tháng gửi, số lượng gửi, chủng loại rác, điểm quy đổi và quá trình rút tiền… Khi Chứng chỉ gửi rác đã tích lũy đủ đến mức được rút tiền, chủ tài khoản hoàn toàn có quyền yêu cầu công ty cho thực hiện rút tiền mặt hoặc chuyển khoản, Xi măng Lam Thạch bảo đảm chi trả tiền mặt cho chủ tài khoản trong thời gian 30 phút kể từ lúc tiếp nhận yêu cầu rút tiền và xuất trình đầy đủ giấy tờ.
Khi tài khoản đạt đến 300 điểm tích lũy mà chủ tài khoản chưa rút tiền sẽ được Xi măng Lam Thạch trả một khoản tiền lãi tương ứng với lãi suất 1%/năm, tương đương cao gấp đôi lãi suất không kỳ hạn của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.
Cán bộ công nhân viên của Xi măng Lam Thạch và người dân có thể quy đổi các chủng loại rác thải tại Xi măng Lam Thạch: Giấy và các sản phẩm được sản xuất từ giấy; Vải và các sản phẩm sản xuất từ vải sợi; Nhựa và các sản phẩm được sản xuất từ nhựa; Sắt thép phế liệu; Vỏ lon bia, nước ngọt; Vỏ bao xi măng. 1kg các chủng loại rác thải này tương đương 1 điểm quy đổi, quy đổi thành tiền từ 3.000 - 11.000 đồng tùy chủng loại rác thải. Xi măng Lam Thạch thực hiện hỗ trợ vận chuyển miễn phí cho cá nhân có số lượng gửi rác 1 lần từ 100kg trở lên…
Có thể thấy những nỗ lực đổi mới mạnh mẽ ở Xi măng Lam Thạch bằng việc thực hiện tổng hòa các nhóm giải pháp: Chăm lo đời sống cán bộ công nhân viên, môi trường không khí, cảnh quan xanh, sạch, đẹp trong nhà máy; Tuyên truyền, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh; Khuyến khích, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới công nghệ; Phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống từ nguồn năng lượng sạch, bền vững… Kỳ vọng, những nỗ lực này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Xi măng Lam Thạch, mà còn bảo đảm sự phát triển bền vững hơn của doanh nghiệp trong tương lai.